Làm gì khi phát hiện bị ung thư?
Với bất cứ ai, việc phát hiện bị ung thư sẽ gây một cú sốc cực mạnh. Phản ứng với tin sét đánh này thường là nỗi thất vọng và chán chường. Tuy nhiên, theo các thầy thuốc, thay vì lo âu, phẫn uất, người bệnh có khá nhiều việc phải làm.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, bệnh nhân ung thư ngày nay sống lâu hơn trước. Nhất là khi phát hiện sớm và khối ung thư chưa lan tới các hạch hay di căn tới các cơ quan khác thì khả năng phục hồi rất lớn. 40% nguyên nhân gây ung thư là do các thói quen sinh hoạt như hút thuốc lá, uống rượu và chế độ ăn. Đối với những bệnh nhân không thể chữa khỏi triệt để, một số tiến bộ lớn trong y học có thể giúp khống chế triệu chứng và biến chứng, đồng thời cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống.
Lời khuyên cho những người mới được chẩn đoán mắc bệnh ung thư
Đầu tiên, cần tìm hiểu một cách chi tiết về chẩn đoán, xem tên bệnh ung thư là gì, kích thước và vị trí, nơi khối u xuất hiện và mức độ di căn. Tìm hiểu xem bệnh phát triển nhanh hay chậm. Nếu không nắm được những thông tin này thì bạn không thể hiểu được chính xác vấn đề.
Phải thừa nhận rằng đây là một thời điểm khủng hoảng nhất của đời người và bạn khó có thể nhớ được những điều ý nghĩa nhất với mình. Giới chuyên gia chỉ ra rằng, trong hoàn cảnh này, người bệnh chỉ nhớ được khoảng 5% lượng thông tin cần thiết khi trao đổi với bác sĩ. Vì vậy, khi đến khám, bạn nên cùng đi với ai đó, tốt nhất là một người đáng tin cậy, biết cách ủng hộ và giúp bạn hiểu vấn đề một cách sáng sủa hơn. Việc đi khám một mình chẳng khác nào đối diện với bồi thẩm đoàn mà không có luật sư.
Có thể đi chẩn đoán lại ở nơi khác?
Nên đi khám lại ở một chỗ khác, nhưng không có nghĩa là gõ cửa hàng chục nơi. Tốt nhất là chọn những trung tâm chẩn đoán lớn, có uy tín. Điều quan trọng đối với bệnh nhân ung thư là việc nhận thức sâu sắc rằng thời gian là thứ quý giá nhất lúc này. Sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu tốn tiền và thời gian để chạy theo hy vọng về một kết quả đáng hài lòng hơn, trong khi thực tế không thể thay đổi.
Bệnh nhân mới được chẩn đoán mong đợi gì ở bác sĩ?
Thứ nhất, bạn cần có người lắng nghe và bác sĩ chính là đối tượng thích hợp để bạn đặt câu hỏi và bày tỏ sự lo lắng. Thứ hai, bác sĩ có thể giải thích cho bạn các sắc thái của sự chẩn đoán và làm cho bạn hiểu cặn kẽ tình trạng bản thân. Thứ ba, bạn cần có một bác sĩ giỏi để đưa ra những phương pháp điều trị thích hợp và hiệu quả nhất. Hãy tạo dựng một mối quan hệ tốt với bác sĩ. Bệnh nhân cần hiểu rằng quan hệ điều trị là mối quan hệ cùng tham gia và chia sẻ.
Có thể lựa chọn điều trị?
Một số khối u có thể phẫu thuật cắt bỏ và hầu như không có khả năng tái phát. Ung thư da và ung thư tế bào đáy là những ví dụ điển hình. Phẫu thuật là giải pháp điều trị truyền thống của hầu hết các loại ung thư. Tuy nhiên, gần đây có một bước thay đổi lớn trong lĩnh vực điều trị ung thư - đó là hạn chế tối đa phẫu thuật cắt bỏ nhiều bộ phận. Thế hệ phụ nữ trước đây khi mắc ung thư vú thường bị cắt bỏ hoàn toàn, trong khi ngày nay việc loại bỏ mô vú chỉ bằng kích thước vài đường viên, sau đó kết hợp với hóa trị và xạ trị để mang lại kết quả tốt hơn.
Một vài loại ung thư đáp ứng tốt với xạ trị, số khác lại phù hợp với phương pháp hóa trị và nội tiết. Có loại chỉ cần một phương pháp, song có bệnh cần điều trị phối hợp. Một số loại ung thư ít biểu hiện ra ngoài hoặc chỉ có một vài triệu chứng không gây đau đớn. Tuy nhiên, những loại này thường tồn tại âm ỉ trong một thời gian dài và việc điều trị thường không cải thiện chất lượng cuộc sống. Nhiều loại ung thư lại tác động mạnh đến cơ thể và gây ra những vấn đề nghiêm trọng.
Mục tiêu điều trị có thể khác nhau và chỉ có bạn mới có quyền quyết định sẵn sàng chấp nhận tác dụng phụ nào. Một người trẻ tuổi mắc ung thư có thể sẵn sàng chịu đựng khắc nghiệt trong quá trình điều trị, trong khi một cụ già 85 tuổi sẽ không chấp nhận những tác dụng phụ nghiệt ngã để được sống thêm vài ba tháng nữa.
Hóa trị và xạ trị điều trị ung thư như thế nào?
Phương pháp hóa trị là việc sử dụng một số loại thuốc có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị là dùng các tia có năng lượng cao để phá hủy tế bào. Cả hai phương pháp này được dùng sau phẫu thuật nhằm diệt các tế bào ung thư đã thoát khỏi khối u ban đầu và di chuyển tới hệ thống mạch máu và hạch. Cả hai đều gây ra những tác dụng phụ ảnh hưởng lớn tới mô bình thường lân cận. Song nói chung, chúng có thể phục hồi được.
Hãy cân nhắc kỹ về các tác dụng phụ. Đừng ngại hỏi bác sĩ những thắc mắc như: bạn sẽ bị mệt thế nào, phải tốn bao nhiêu năng lượng trong quá trình điều trị? Nếu bây giờ đang làm việc 50 giờ/tuần thì liệu trong quá trình điều trị có phải giảm xuống 20 giờ/tuần?
Gia đình và bạn bè là yếu tố quyết định cho sự sống còn của bệnh nhân ung thư.
Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ giữa những người sống sót sau ung thư và các mối quan hệ xã hội của họ. Tuy nhiên, đôi khi gia đình và bạn bè cũng có lời khuyên không chính xác. Họ có thể đưa đến hàng tập số liệu về các phương pháp điều trị mà chẳng ai hiểu nổi. Họ có thể quá hăng hái bênh vực cho một phương pháp điều trị nào đó...
Điều quan trọng đối với một bệnh nhân ung thư phải biết là những hạn chế của chính mình. Hãy tin rằng nếu chiến đấu bền bỉ bạn sẽ chiến thắng. Hãy nghỉ ngơi nhiều hơn, gặp gỡ bạn bè và người thân, ngưng cảm giác dằn vặt và đau khổ. Hãy luôn nghĩ rằng cuộc sống vẫn đang ở phía trước.
(Theo Thế Giới Mới)