LẦN ĐẦU TIÊN BỆNH U DẠNG XƯƠNG ĐƯỢC PHÁT HIỆN VÀ ĐIỀU TRỊ THÀNH CÔNG Ở TRẺ EM
Tác giả : TS. NGUYỄN TIẾN DŨNG - Khoa Nhi BV Bạch Mai
U dạng xương (Osteoid osteoma) là loại u xương lành tính. Đặc điểm là có một vùng trung tâm sáng khoảng 3cm gọi là ổ bệnh và một vùng xơ cứng hóa ở xung quanh. Đây là một bệnh rất hiếm gặp, chẩn đoán ban đầu gặp nhiều khó khăn. Trên thế giới, cũng đã có một số tác giả mô tả bệnh này, nhưng trước đây theo những tài liệu mà chúng tôi thu thập được, chưa có thông báo cho thấy bệnh đã xuất hiện ở nước ta. Trong bài viết này, xin giới thiệu một bệnh nhân mới được phát hiện bệnh và điều trị thành công tại Khoa Nhi BV. Bạch Mai
DIỄN BIẾN QUÁ TRÌNH BỆNH LÝ
Ngày 25/11/2002, cháu Tống Đăng T., 14 tuổi, quê ở Tân An, Nhật Quang, Phủ Cừ (Hưng Yên) được gia đình đưa đến khoa nhi BV. Bạch Mai vì bị đau nhiều ở đùi trái nên không thể đi học và làm bất cứ việc gì.
Cháu bị bệnh này đã được 5 tháng, thường đau từ 11 giờ đêm đến 3 giờ sáng hôm sau. Sáng dậy cảm thấy đỡ hơn nên vẫn đi học được. Lúc đầu gia đình tự chữa bằng thuốc Đông y gồm xoa bóp với rượu thì đỡ được 1 ngày. Sau đó đau lại tăng lên. Gia đình lại chuyển sang chữa khớp bằng các thuốc giảm đau trong 1 tháng nhưng không đỡ nên đưa cháu lên bệnh viện tỉnh, sau đó chuyển lên một số bệnh viện trung ương khác với nhiều chẩn đoán và biện pháp điều trị khác nhau, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Sau đó gia đình cúng ma rồi tiếp tục điều trị Đông y 12 ngày, nhưng đau lại thêm về đêm nên đưa cháu đến BV. Bạch Mai khám và được vào viện điều trị với chẩn đoán ban đầu là viêm xương đùi trái, nhưng bệnh nhân hoàn toàn không sốt.
Sau khi vào viện, cháu được chụp xương đùi trái và phát hiện có hình ảnh dày vỏ xương khu trú vùng cổ xương đùi, do đó các bác sĩ nghi ngờ có u dạng xương. Ngoài ra các kết quả xét nghiệm máu và nước tiểu đều bình thường, kể cả làm siêu âm doppler hệ mạch máu chi dưới cũng không phát hiện được điều gì bất thường. Chỉ đến khi chụp cắt lớp vi tính xương đùi trái mới phát hiện được hình ảnh u dạng xương.
Trong thời gian chờ đợi làm thủ thuật khoan xương để lấy khối u, bệnh nhân vẫn rất đau về đêm và được điều trị bằng Aspegic, Paracetamol, Seduxen để giảm đau.
Ngày 13/12/2002, cháu được khoan lấy u dưới sự hướng dẫn của chụp cắt lớp vi tính. Gây tê tại chỗ, sau đó dùng kim có đường kính 3mm chọc vào ổ u xương, bệnh nhân kêu đau dữ dội khi kim tới ổ bệnh và phải tăng cường thuốc giảm đau Fentanyl và Hypnoven. Khoan ổ bệnh, lấy ra 1 mảnh gửi xét nghiệm tế bào học. Đặt kim lần 2 vào vị trí cũ, bơm rửa bằng 10ml cồn tuyệt đối. Sau khi làm xong thủ thuật bệnh nhân hết đau. Điều trị kháng sinh và theo dõi 1 tuần, bệnh nhân không còn đau và được ra viện vào ngày 20/12/2002.
Xét nghiệm tế bào học tại khoa giải phẫu bệnh BV. Bạch Mai cho kết quả chẩn đoán xác định u dạng xương (Osteoid osteoma).
Theo dõi khám lại sau 1 năm điều trị không thấy bệnh tái phát và hiện nay bệnh nhân khỏe mạnh bình thường.
NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM
- Đây là một bệnh rất khó chẩn đoán trong giai đoạn ban đầu. Sở dĩ sau một thời gian dài khoảng 5 tháng cháu T. mới được chẩn đoán vì do bệnh có rất ít thay đổi trên phim chụp xương thông thường. Do vậy chẩn đoán ban đầu thường nghĩ đến thiếu canci hoặc viêm khớp háng.
Với triệu chứng đau rất đặc trưng, chủ yếu tăng nhiều về ban đêm kết hợp với xem xét kỹ hình ảnh chụp X-quang xương đùi cho phép chúng tôi nghĩ đến một u dạng xương. Sau khi chụp cắt lớp vi tính xương đùi bên trái, tiến hành thủ thuật khoan lấy u và xét nghiệm tế bào học đã khẳng định chẩn đoán đúng.
- Bệnh hay gặp ở tuổi trẻ. Khoảng 1/2 số trường hợp bệnh xuất hiện ở tuổi từ 5-24. Trẻ trai bị nhiều gấp 4 lần trẻ gái.
- Hình ảnh X-quang của u dạng xương nằm ở đầu trên xương đùi và rất dễ nhìn thấy ổ bệnh trên phim chụp cắt lớp: là một ổ mờ hình tròn có đường kính khoảng 1-3cm với một vết đốm xơ hóa nhỏ ở trong u nằm trong lớp vỏ, dày, xơ hóa và rất đậm đặc.
Trong trường hợp xơ cứng hóa xương rõ tới mức có thể không nhận ra được các nidus nhỏ, thì chụp mạch có thể giúp nhìn thấy được các tĩnh mạch nằm trong ổ bệnh.
- Làm xét nghiệm tế bào học ở ổ bệnh mới có thể chẩn đoán được, vì nếu làm ở rìa xơ hóa thì chỉ thấy được mô xương xơ hóa mà thôi. Tổn thương xương ở đây được coi là các u xương lành tính. Điều này gây ra các cơn đau nặng chủ yếu vào ban đêm, nhưng đau giảm đi khi dùng các thuốc giảm đau như Aspirin... Giải thích về triệu chứng đau, người ta cho rằng chính sự cung cấp máu cho khối u ở các mức độ khác nhau có thể đè ép vào các dây thần kinh trong khối u nên gây đau. Tuy nhiên lại rất khó tìm thấy các sợi thần kinh trong ổ bệnh. Thời gian đau trung bình ở các bệnh nhân này trong những nghiên cứu trước là khoảng 1,3 năm sau mới được chẩn đoán.
- Cường độ đau tăng lên, có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng và có thể ảnh hưởng cả tới vận động do rối loạn phản xạ đau.
- Điều trị bằng phẫu thuật lấy bỏ ổ bệnh. Nếu không lấy bỏ được hết ổ bệnh thì bệnh có thể tái phát. Trường hợp cháu T. không phải phẫu thuật mà chỉ cần làm thủ thuật khoan xương qua da bằng kim sinh thiết xương để lấy khối u dưới sự hướng dẫn của phim chụp cắt lớp vi tính. Đây là thủ thuật an toàn và sau khi làm thủ thuật không thấy có tai biến gì.
Sau khi lấy được ổ bệnh, việc bơm cồn tuyệt đối vào khối u đã cho kết quả tốt. Đây là một thành công của sự kết hợp chặt chẽ giữa các khoa trong bệnh viện, chủ yếu là khoa nhi và khoa chẩn đoán hình ảnh.
Chú thích ảnh:
- U dạng xương.
- U dạng xương sau khi chụp X-quang