Bệnh sán lá ruột
Sán lá ruột là một loài sán lá có kích thước lớn (75x20 mm) ký sinh ở tá tràng của người hoặc lợn (ở lợn thường gọi là sán hạt hồng). Những bệnh nhân nhiễm quá nhiều sán có thể bị hội chứng tắc ruột.
Một con sán lá ruột trưởng thành có thể đẻ tới 2.500 trứng mỗi ngày, trứng theo phân ra ngoài và phát triển trong môi trường nước ngọt ao hồ. Gặp nhiệt độ thích hợp, sau khoảng 3-7 tuần, ấu trùng lông phát triển hoàn chỉnh trong trứng và thoát ra, di động xâm nhập một số loại ốc và chuyển thành bào ấu. Sau 4-7 tuần, bào ấu phát triển qua hai giai đoạn và nở thành rất nhiều ấu trùng đuôi. Chúng rời vỏ ốc và sống bám vào một số cây mọc dưới nước như củ ấu, củ niễng, ngó sen, bèo và phát triển thành nang trùng. Người và lợn ăn phải các loại cây thủy sinh có chứa các nang trùng này sẽ nhiễm bệnh. Khi xâm nhập cơ thể người hoặc lợn, nang trùng sẽ mất vỏ nang ở tá tràng vật chủ và sau đó bám vào ruột non để ký sinh và phát triển thành sán trưởng thành. Thời gian từ khi xâm nhập đến khi trưởng thành khoảng 90 ngày.
Những trường hợp nhiễm sán mới có biểu hiện rõ rệt, một phần do sán gây tổn thương tại ruột, chiếm thức ăn, một phần do độc tố của sán tiết ra gây rối loạn toàn thân. Tại vết bám của sán có thể loét, niêm mạc ruột non thường bị phù nề và viêm, có thể lan xuống tận ruột già. Niêm mạc ruột có thể bị sùi và có những đám sung huyết. Những bệnh nhân nhiễm quá nhiều sán có thể gây hội chứng tắc ruột, toàn thân bệnh nhân có thể bị phù nề, tràn dịch ngoại tâm mạc.
Triệu chứng lâm sàng của bệnh nhiễm sán lá ruột thường diễn biến qua 3 giai đoạn:
- Khởi phát: Bệnh nhân có những triệu chứng mệt mỏi, giảm sút sức khỏe, thiếu máu, giai đoạn này thường dễ bị bỏ qua.
- Toàn phát: Bệnh nhân thấy đau bụng, rối loạn tiêu hóa kèm theo ỉa chảy thất thường có khi kéo dài nhiều tuần lễ. Phân lỏng, không có máu nhưng nhày và có lẫn thức ăn không tiêu. Đau bụng thường đau âm ỉ ở vùng hạ vị, có thể xảy ra những cơn đau dữ dội. Bụng bị chướng, nhất là với trẻ em. Giai đoạn này dễ bị chẩn đoán nhầm với một số bệnh lý khác của đường tiêu hóa như loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng co thắt...
- Giai đoạn nặng: Nếu nhiễm sán nhiều và không được điều trị, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn nặng với các triệu chứng phù toàn thân như phù mặt, phù thành bụng, phù chân, tràn dịch nhiều ở nội tạng nhất là tim phổi, cổ trướng và bệnh nhân có thể chết trong tình trạng suy kiệt.
Chẩn đoán sán lá ruột chủ yếu dựa vào các dấu hiệu gợi ý trên lâm sàng như rối loạn tiêu hóa, ỉa chảy kéo dài, phù nề, suy nhược.
Để điều trị, có thể sử dụng albeldazon và các biệt dược của praziquantel như Biltricicde, hoặc Distocid theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Để phòng bệnh sán lá ruột, không được ăn các loại rau trồng trong nước không được nấu chín. Không dùng phân chưa ủ để bón ruộng. Khi có các biểu hiện lâm sàng nghi nhiễm sán lá ruột, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở chuyên khoa ký sinh trùng.
BS Hà Thái Sơn, Sức Khỏe & Đời Sống