Lỵ trực khuẩn - bệnh hay gặp trong mùa hè
Trực khuẩn lỵ. |
Trong số các tác nhân gây hội chứng lỵ, phổ biến nhất là trực khuẩn shigella. Loại khuẩn này gây viêm đường ruột cấp tính với 90% bệnh nhân là trẻ em. Trẻ dưới 3 tuổi bị mắc và tử vong nhiều nhất.
Lỵ trực khuẩn xảy ra ở mọi nơi và quanh năm, có thể thành dịch về mùa hè. Bệnh thường phát ở những nơi đông người (nhà trẻ, trường học, khu công nghiệp), vệ sinh cá nhân, thực phẩm và môi trường kém. Bệnh có thể xuất hiện từ từ hoặc đột ngột sau khi ăn thực phẩm nhiễm khuẩn chừng 8 giờ đến 2-5 ngày (tối đa là 8 ngày). Bệnh nhân sốt cao, đại tiện lỏng nhiều lần, có thể tới 5-15 lần/ngày, có trường hợp tới 30-60 lần/ngày. Trong một hai ngày đầu, phân lỏng, sau có máu và nhầy, ít phân, phân lầy nhầy như mũi, có khi như đờm nổi trong nước, lờ đờ đỏ như nước rửa thịt.
Bệnh nhân đau bụng liên miên không lúc nào yên, đau dọc theo khung đại tràng, thỉnh thoảng lại dội lên từng cơn, kèm theo mót rặn, buồn đi ngoài không sao kìm nổi. Có trường hợp mót rặn làm sa trực tràng. Tình trạng toàn thân thường nặng: sốt cao, mạch nhanh, gan có thể sưng nhẹ, đi tiểu ít, nước tiểu có protein; bạch cầu đa nhân trong máu tăng.
Nếu được điều trị kịp thời, các triệu chứng trên sẽ giảm dần. Đến ngày thứ 8 hoặc ngày thứ 10, bệnh nhân hết sốt, đỡ đau bụng, mót rặn, số lần đi ngoài ít đi rồi trở lại bình thường, song chất nhầy trong phân phải một thời gian sau mới hết.
Với người già, người ốm yếu và trẻ nhỏ, bệnh thường nặng: đại tiện nhiều lần cả ngày lẫn đêm, toàn thân suy sụp nhanh do bị nhiễm độc và mất nước nặng. Bệnh nhân chỉ sốt nhẹ, thậm chí không sốt, nôn ít mà khát nước, mặt phờ phạc, xám ngoét, mạch nhỏ, huyết áp hạ, thân nhiệt hạ, da lạnh ngắt và nhớp mồ hôi, chuột rút, nói không ra hơi, tiểu tiện ít... Trẻ nhỏ (1-4 tuổi) thường sốt cao, kèm co giật, li bì, lơ mơ, đau đầu, cổ cứng. Với những trường hợp này, nếu không được điều trị tích cực, tình trạng nhiễm độc, mất nước, mất muối ngày càng nặng, bệnh nhân có thể tử vong nhanh sau 1-2 ngày.
Ngoài việc điều trị sớm và tích cực, cần áp dụng các biện pháp dự phòng (tẩy uế phân, chất nôn, quần áo, đồ dùng... của bệnh nhân) để bệnh không lan thành dịch.
Bệnh nhân cần được dùng thuốc kháng sinh (như ampicillin, trimethoprim) để diệt vi khuẩn; bù đủ nước và chất điện giải bằng oresol (ORS) hoặc truyền dịch; tăng cường dinh dưỡng, giảm đau (bằng các thuốc an thần nhẹ), trợ tim, trợ sức... Ở giai đoạn cấp tính, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi hoàn toàn, theo dõi thường xuyên nhiệt độ, mạch, huyết áp; trẻ nhỏ cần theo dõi tình trạng thần kinh.
Bệnh nhân nên ăn nhẹ, dùng đồ dễ tiêu như cháo, súp. Nếu trẻ đang bú mẹ, cần tiếp tục cho bú nhiều lần hơn khi khỏe để tránh suy dinh dưỡng. Nếu trẻ đang trong thời kỳ ăn bổ sung, có thể cho ăn sữa hộp (nên pha với nước cháo để làm giảm lượng lactose và có thêm tinh bột). Khi bệnh đã đỡ, cho trẻ dần dần trở lại chế độ ăn bình thường và khi khỏi thì ăn thêm bữa để mau lại sức.
BS Nguyễn Hưng Thịnh, Sức Khoẻ & Đời Sống