Nhiễm trùng tai ngoài
Nguyên nhân gây viêm nhiễm chủ yếu là thói quen ngoáy tai, lau chùi ống tai nhiều lần, bơi lặn lâu, phun nước vào tai... Nếu không chữa kịp thời, bệnh nhân có thể bị viêm ống tai ngoài hạt, viêm ống tai ngoài hoại tử, viêm sụn và màng sụn, áp xe ống tai ngoài lan rộng, rất nguy hiểm.
Biểu hiện ban đầu của nhiễm trùng tai ngoài là cảm giác ngứa, làm bệnh nhân cọ xát vào da ống tai. Động tác này càng làm cho cảm giác ngứa tăng lên, tạo thành vòng xoắn bệnh lý.
Vào giai đoạn cấp tính, khi ấn vào tai sẽ có cảm giác đau, biểu hiện ở nhiều mức độ đau khác nhau tùy từng giai đoạn bệnh. Nếu nặng, có thể kèm theo sốt cao, thậm chí rét run. Người bệnh thấy đau khi chạm vào tai hoặc khi nhai, kèm theo nghe kém do phù nề làm hẹp ống tai. Có thể nề đỏ da sau tai, da vành tai nóng đỏ và cứng. Tai chảy nước trong hoặc mủ, đôi khi bị chẩn đoán nhầm là viêm tai giữa vỡ mủ. Khám sâu thấy da ống tai nề đỏ, đôi khi có chất dịch không mùi, có những mảnh vụn của lớp sừng bong ra hoặc bị tắc hoàn toàn bởi mủ hoặc huyết thanh.
Vào giai đoạn mạn tính, ống tai thường bị hẹp vì lớp sừng và lớp gai dày lên, phù nề. Triệu chứng chủ yếu của giai đoạn này là ngứa, đầy tai. Soi tai thấy có những vết xước ăn mòn, chàm hóa. Ống tai khô dính kèm theo chất xuất tiết hơi xanh hoặc nâu xám. Nếu không điều trị, bệnh nhân có thể gặp biến chứng như liên tục chảy mủ tai, mủ có màu kem và lẫn tổ chức hạt, mũi thối. Đặc biệt, những bệnh nhân tuổi trung niên, có kèm theo bệnh tiểu đường hoặc suy giảm miễn dịch rất dễ bị viêm hoại tử xương xung quanh ống tai, viêm tuyến mang tai cùng bên, dẫn đến liệt mặt, liệt một số dây thần kinh sọ.
Nhiễm trùng tai ngoài được điều trị tùy từng mức độ khác nhau. Trường hợp nhẹ có thể bôi tại chỗ một số thuốc như: sát trùng, mỡ chứa corticoid..., dùng một số chất làm khô và giữ cho môi trường có tính axit như axit boric, gentian, castellani...
Trường hợp nặng hơn, có thể dùng kháng sinh toàn thân kết hợp với giảm viêm, giảm đau và điều trị làm thuốc tai tại chỗ. Có thể phải chích rạch dẫn lưu, lấy mủ vùng ống tai, nuôi cấy làm kháng sinh đồ. Tránh làm hẹp ống tai bằng cách đặt gạc tẩm kháng sinh. Ngoài ra, cần điều trị các bệnh phối hợp nếu có, ổn định đường huyết, tăng cường miễn dịch. Ở giai đoạn mạn tính, ống tai hẹp nhiều làm suy giảm sức nghe, có thể phải phẫu thuật tạo hình lại ống tai ngoài.
GS Phạm Khánh Hòa, Sức Khoẻ & Đời Sống