VI KHUẨN KHÁNG THUỐC KHÁNG SINH - NỖI LO CÒN ĐÓ
BS. VŨ ĐỊNH
Càng ngày càng có nhiều vi khuẩn chống đỡ được với nhiều loại kháng sinh.
Thật là nguy hại, khi cho người bệnh nhiễm trùng dùng thuốc kháng sinh mà vi
khuẩn đã kháng thuốc! Nỗi lo này không của riêng ai.
Vi khuẩn đã từng là nguyên nhân sát hại nhiều sinh mạng của không biết bao
nhiêu người trên thế giới. Bởi vậy, khi mới tìm ra thuốc kháng sinh, loài người
thật hoan hỉ. Vi khuẩn dù hung hãn đến đâu mà dùng thần dược kháng sinh là nó sẽ
bị tiêu diệt - người bệnh nhiễm trùng sẽ khỏi bệnh. Năm 1941, tất cả các tụ cầu
khuẩn vàng (staphylococcus aureus) gây bệnh dễ bị diệt bởi kháng sinh
penicillin, nhưng chỉ 3 năm sau tụ cầu khuẩn vàng đã trở nên kháng thuốc bằng
cách sản sinh ra một loại men (enzim) Penicilaza phân hủy phân tử penicillin.
Cũng tương tự một số vi khuẩn khác tiết ra enzim bêta lactamaza để chống kháng
sinh ampicillin, hoặc axetyl transferaza để chống kháng sinh cloramphenicol...
Một số thống kê cho thấy hiện nay có hơn 95% loài vi khuẩn kháng thuốc
penicillin. Harold C. Neu, Giáo sư khoa y dược trường Đại học Columbia (New
York) nhận xét: "Năm 1941, 10.000 đơn vị penicillin, 4 lần mỗi ngày đủ để chữa
một người bệnh viêm phổi do vi khuẩn streptococcus pneumoniae (tác nhân chính
gây viêm phổi, viêm màng não, viêm xoang...). Nhưng hiện nay một bệnh nhân bị
nhiễm vi khuẩn này có thể nhận tới 24 triệu đơn vị penicillin mỗi ngày mà vẫn
chết vì viêm não".
Tại Việt Nam, Trung tâm bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh và đơn vị nghiên
cứu Wellcome Trust Viện Đại học Oxford đã phân lập từ máu và dịch tủy não bệnh
nhân từ năm 1993-1997 được 47 chủng liên phế cầu khuẩn (streptococcus
pneumoniae) để nghiên cứu. Các tác giả cho biết: "Từ năm 1993 - 1995 chỉ có 10%
(2/21 chủng) kháng penicillin. Và có 50% số chủng kháng Tetracyclin, 15% kháng
Erythromycin, 10% kháng Cloramphe-nicol".
Bằng cách nào vi khuẩn chống lại thuốc kháng sinh? Vi khuẩn đạt được điều bất
trị đó là nhờ hai khả năng: sinh sản bằng cách phân đôi theo cấp số nhân cực kỳ
nhanh và khả năng đột biến (biến đổi yếu tố di truyền) có thể truyền lại cho các
thế hệ tiếp theo.
Dưới tác dụng của một liều kháng sinh, đặt vi khuẩn vào tình thế chết, đa số
vi khuẩn bị tiêu diệt, nhưng cũng có một số ít thoát chết, sẽ tồn tại và phát
triển theo nguyên lý chọn lọc tự nhiên của Darwin. Nếu lạm dụng kháng sinh, dùng
thuốc với mục đích dự phòng, dùng không đủ liều lượng số vi khuẩn không chết
càng nhiều và trở nên kháng thuốc nguy hiểm. Các vi khuẩn đều phụ thuộc vào môi
trường sống của chúng để tồn tại, mỗi loài vi khuẩn phải có đầy đủ một bộ enzim
để chiết ra các chất dinh dưỡng từ môi trường. Nếu môi trường sống bình thường
bị thay đổi hay nhiễm độc, một số vi khuẩn sẽ chết vì thiếu enzim để thích nghi.
Nhưng có một số vi khuẩn có khả năng thích nghi mau lẹ với môi trường mới bằng
cách đột biến sản sinh ra những enzim mới phù hợp với hoàn cảnh.
Những năm gần đây, người ta còn khám phá thêm ngoài sự đột biến bất ngờ,
những vi khuẩn kháng lại được thuốc còn là nhờ do chúng chiếm lấy các yếu tố di
truyền của vi khuẩn khác. Những yếu tố di truyền đó chuyển từ vi khuẩn này sang
vi khuẩn khác bởi plasmid, hay bởi chuyển vị (yếu tố di truyền có thể dời đổi
chỗ).
Plasmid (cấu trúc AND mạch vòng nằm ngoài nhiễm sắc thể có khả năng tự sao
chép độc lập trong tế bào, được dùng như vật chuyển gen trong di truyền) và
chuyển vị có thể chuyển những yếu tố di truyền gen kháng thuốc từ loài vi khuẩn
này sang loài vi khuẩn khác. Bởi vậy, sự lạm dụng thuốc kháng sinh ở người và
gia súc chăn nuôi đã dẫn đến tăng sinh dị thường sự chống thuốc của chúng.
Từ khi Alexander Fleming (1881-1955) tìm ra kháng sinh penicillin cho đến
nay, con số chất kháng sinh được nghiên cứu đã lên tới 5.000, trong đó có khoảng
trên dưới 100 chất đã được dùng trong thực tiễn y học và nhiều kháng sinh đã bị
dẹp bỏ, vì không còn hiệu lực đối với vi khuẩn. Binh chủng kháng sinh tuy còn
đông về số lượng nhưng "sức chiến đấu" ngày càng kém, đó là mối lo ngày càng
tăng không của riêng ai! Nhiều nhà khoa học đang nỗ lực nghiên cứu các loại
kháng sinh có nguồn gốc khác từ động vật, thực vật, côn trùng... để cố tìm ra
một loại kháng sinh mới khả dĩ, có hiệu lực cao lại khó bị vi khuẩn kháng thuốc.