Viêm Não Nhật
Bản B Nguy hiểm nhưng có thể đề phòng
Thời gian gần đây, một căn bệnh của trẻ em đã làm nhiều người quan tâm vì tỉ lệ tử vong cao và những di chứng tàn phế mà bệnh để lại cho trẻ. Ðó là bệnh viêm não Nhật Bản. Gọi là viêm não vì đây là bệnh nhiễm trùng thần kinh cấp tính làm tổn thương nặng nề bộ não. Gọi là Nhật Bản-B vì vào năm 1935, tại Nhật Bản, các nhà khoa học đã lần đầu tiên tìm thấy nguyên nhân gây bệnh là một loại siêu vi thuộc nhóm B của một dòng siêu vi có tên là Arbovirus. Siêu vi VNNB-B sống trong thiên nhiên ở các loài chim như :bông lau, rẻ quạt, sẻ nhà, chích chòe, cò , sáo , quạ, cu gáy vv...muỗi chích hút máu chim nhiễm siêu vi rồi chích truyền bệnh sang người, chủ yếu là trẻ em và gia súc như heo, bò , ngựa, dê, đặc biệt là heo. Tuy nhiên, không phải loài muỗi nào cũng truyền được bệnh mà chủ yếu là muỗi có tên khoa học là Culex Tritaeniorhycus. ở nước ta, loài muỗi này có nhiều ở miền bắc, xuất hiện nhiều vào những mùa tháng nóng, thích hút máu gia súc, ban ngày sống trong các bụi cây ngoài vườn, đêm bay vào nhà hút máy gia súc và người, và thích đẻ trứng trong ruộng lúa, mương máng. Năm nay, có lẽ do hiện tượng El Nĩno nên nắng nóng kéo dài làm cho loại muỗi này sinh sôi, phát triển mạnh hơn nên bệnh VNNB-B tăng nhiều hơn mọi năm. Tuy cùng bị nhiễm siêu vi VNNB_B nhưng chim sẽ không bị mắc bệnh, heo cũng bị nhiễm dạng tiềm tàng nhưng người thì có thể bị viêm não. Vì vậy cần tránh để chuồng chim chóc, chuồng nuôi heo ngay trong nhà vì có thể là ổ siêu vi VNNB_B.
Khi mắc bệnh, trẻ thường có những hiện tượng sốt cao, đến 39-40oC, xuất hiện những cơn co giật nửa người hoặc toàn thân theo kiểu động kinh nhiều lần trong ngày, mắt trợn ngược, thở khò khè nhiều đàm nhớt, nôn mửa và mê man. Trẻ có thể chết do suy hô hấp, trụy tim mạch. Nếu được cứu chữa kịp thời và tích cực, trẻ có thể khỏi bệnh nhưng bị những di chứng với nhiều mức độ nặng nhẹ như: bại liệt, cấm khẩu không nói được, mất trí nhớ, cử động dị thường ngoài ý muốn như "run rẩy, uốn éo, lắc lư, gồng cứng người, động kinh...tỉ lệ trẻ VNNB-B bị di chứng khá cao: có đến 80% trẻ khỏi bệnh bị những di chứng thần kinh-tâm thần, có khi vĩnh viễn.
Ðến nay, VNNB-B cũng như nhiều bệnh do siêu vi gây ra khác là bệnh chưa có thuốc đặc trị. Ðiều trị chủ yếu là làm bớt đi phần nào các triệu chứng, cứu người bệnh qua khỏi cơn nguy kịch do suy hô hấp, trụy tim mạcn, nhiễm trùng. Sau đó thì điều trị những di chứng phục hồi vận động, tâm thần kinh nhưng kết quả điều trị phục hồi này rất hạn chế.
VNNB-B nguy hiểm thế nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được (Diệt muỗi, phòng tránh muỗi chích)...có thể chích ngừa bằng vaccin. Hiện nay nước ta đã có vaccin chủng ngừa viêm não Nhật bản B do Viện vệ sinh dịch tễ Hà Nội sản xuất, được chích như sau: 2 mũi đầu chích các nhau 1-2 tuần, mũi thứ ba cách mũi thứ nhất 1 năm. Sau đó, mỗi 4 năm chích nhắc lại một lần. Tuy nhiên số lượng vaccin hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu cả nước nên chủ yếu dành cho miền Bắc, Trung là nơi đang có dịch bệnh .
BS. Ðoàn Trọng Hiệp (Trung tâm thông tin & GD sức khỏe)
Chích ngừa viêm não Nhật Bản B Viện Pasteur quá tải
Những ngày qua, lúc cao điểm có đến 400-500 trẻ chích ngừa/ngày
Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM: "Một sự căng thẳng giả tạo!"
Những ngày gần đây, nhiều người lại đổ xô đưa con đi chích ngừa viêm não Nhật Bản B, đông nhất vẫn là ở Viện Pasteur. Nếu như 4 ngày đầu tháng 6-1998 có hơn 500 cháu bé được chích, thì mấy ngày qua, có lúc cao điểm lên tới 400-500 cháu/ngày.
Vì sao tràn ngập người đến chích ngừa?
Kỹ sư Phạm Ngọc Trác - Phó Phòng Xét nghiệm Viện Pasteur - nói: "Theo tôi, có 3 lý do khiến gia đình đưa các cháu đến viện nhiều hơn trước: Người dân đọc báo, xem đài; người có con đã chích mách cho những người chưa chích; các cháu đang trong dịp nghỉ hè". Kỹ sư Trác nói rõ thêm là chỉ có số lượng người chích ngừa viêm não Nhật Bản B gia tăng, và phần lớn là cư dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Ðược hỏi về nguồn vắc-xin đang sử dụng, kỹ sư Trác cho biết: "Viện Pasteur đang dùng hai loại vắc-xin, một nhập ngoại và một trong nước, nguồn này do bộ quản ly và cung cấp theo nhu cầu thực tế. Cả hai loại này có cùng chất lượng và giá cả không chênh lệch bao nhiêu". Ông Nguyễn Xuân Mai - Phó Giám đốc Viện Vệ sinh y tế công cộng (Bộ Y tế) - nói rằng nếu vắc-xin đủ công hiệu, người dân ý thức được việc bảo vệ sức khỏe và có điều kiện thì việc chủng ngừa không có gì để nói. Nhưng nếu đi chủng ngừa vì lo sợ quá đáng hoặc do những lời đồn đại ác ý, thì sự tập trung đông người không chỉ gây ra tình trạng quá tải mà còn có thể đưa đến những điều không hay ở những nơi tổ chức tiêm ngừa.
Viêm não Nhật Bản B: Có, nhưng chỉ lẻ tẻ
Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Vương Hùng Việt nói: "Việc chích ngừa viêm não Nhật Bản B nếu đúng là sự thể hiện phòng xa thì cũng là điều bình thường.Nhưng thật ra việc chích ngừa cũng chưa quan trọng lắm, chưa đến mức báo động để phải rủ nhau đi chích ồ ạt như vậy". Trong một lần trao đổi qua điện thoại mới đây, bác sĩ (BS) Trần Ðông A - Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 - cho biết, viêm não nói chung do siêu vi có tăng chút ít so với mọi năm. Riêng viêm não Nhật Bản B, do BV chưa đủ điều kiện phân lập nên phải nhờ xét nghiệm của Viện Pasteur"."Kết quả có ca nào dương tính không, thưa BS?" - chúng tôi hỏi. "Lẻ tẻ thôi!" - BS Trần Ðông A trả lời.
BS Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1 - cũng xác nhận có một vài ca viêm não Nhật Bản B qua nghiên cứu và trên lâm sàng. Tuy nhiên, ông cho là không đáng kể và không đáng báo động rộng rãi.
" Một sự căng thẳng giả tạo "!
Nhân cuộc hội thảo về sốt xuất huyết tại BV Nhi đồng 1 sáng 18-6-98, giáo sư Hạ Bá Khiêm - Viện trưởng Viện Pasteur - đã lên tiếng như vậy về tình trạng quá tải chích ngừa viêm não Nhật Bản B diễn ra 4-5 tuần nay. Ông nhắc lại: Về phương diện dịch tễ học, viêm não Nhật Bản B vẫn là vấn đề ở các tỉnh phía Bắc, các tỉnh phía Nam chưa phải là vùng lưu hành loại vi-rút này. Người dân các tỉnh đổ về nhiều tạo ra căng thẳng, nhưng vì nhu cầu của bà con nên phải đáp ứng thôi".
Phó Viện trưởng Trương Xuân Liên cũng tỏ ra lo lắng về tình trạng chen chúc chờ được chủng ngừa. Tình hình quá tải đó, theo bà, sẽ ảnh hưởng không ít đến sức khỏe các cháu. Bà giải thích công việc tiêm chủng mà viện đang chịu áp lực lớn: Bộ Y tế chưa cho phép tiêm chủng viêm não Nhật Bản B đại trà ở TPHCM. Viện chỉ tổ chức chính ngừa theo nhu cầu của người dân. Trao đổi với phóng viên Báo NLÐ ngày 16-6-98, bà Liên nói: "Ngay như trong gia đình tôi đây cũng chưa thấy cần thiết chích ngừa viêm não Nhật Bản B".
Giáo sư Hạ Bá Khiêm - Viện trưởng Viện Pasteur, Tphcm:
Viêm não Nhật Bản B chưa phải là vấn đề căng thẳng ở phía Nam " Viện Pasteur TPHCM quá tải, trở tay không kịp"
Trước tình hình phụ huynh ở TPHCM và các tỉnh Nam Bộ đưa con em về Viện Pasteur TPHCM để chích ngừa bệnh viêm não Nhật Bản B ngày càng đông, chiều 19-6-98 tại TPHCM, Viện Pasteur TPHCM đã tổ chức cuộc họp báo về "Tình hình viêm não Nhật Bản B tại VN và các thông tin về tình hình tiêm chủng bệnh này tại TPHCM". Nhiều nhà báo thuộc các báo, đài của trung ương và TPHCM đã đến dự.
Viêm não Nhật Bản B là bệnh phức tạp
Giáo sư (GS) Hạ Bá Khiêm, Viện trưởng Viện Pasteur - người chủ trì cuộc họp báo - nói: Bệnh viêm não Nhật Bản B chỉ là một trong những triệu chứng của hội chứng não cấp nói chung. Mà hội chứng não cấp là một vấn đề phức tạp, gồm rất nhiều nguyên nhân, có thể được biết hoặc chưa được biết, không riêng gì ở VN mà trên thế giới cũng vậy. Hội chứng não cấp, ông ví dụ, có thể do một loại vi rút, một loại nấm hoặc là vi rút Nhật Bản B... Tuy nhiên, để xác định nguyên nhân của hội chứng não cấp, ông cho rằng phải thực hiện một cuộc xét nghiệm chiều sâu với những phương tiện hiện đại, bởi những biểu hiện của hội chứng não cấp thường giống nhau: nhẹ thì sốt cao, nhức đầu; nặng hơn thì sốt cao, hôn mê, co giật. Và đó cũng là ly do khó phát hiện ra viêm não Nhật Bản B trên lâm sàng, trừ những thầy thuốc giỏi, nhiều kinh nghiệm. GS Hạ Bá Khiêm cho biết, hiện nay ở VN chỉ có hai trung tâm có đủ điều kiện phân lập tìm ra vi rút viêm não Nhật Bản B là Viện Pasteur TPHCM và Viện Vệ sinh dịch tễ Hà Nội.
Chủ vật chứa virút là chim, lợn
Theo báo cáo của Viện Nhi Trung ương, trong 4 tháng đầu năm 1998, đã điều trị 73 bệnh nhân của 15 tỉnh, thành phố phía Bắc, chưa có tử vong, lứa tuổi mắc tập trung ở trẻ từ 4 - 8 tuổi. Tính số bệnh nhân được điều trị ở các cơ sở y tế khác (ngoài Viện Nhi) thì số mắc bệnh lên đến 131 trường hợp, có 1 tử vong, so với cùng kỳ năm 1997, số mắc bệnh tăng 15%. Bộ Y tế cho biết, trong năm 1998, dự án tiêm chủng mở rộng vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản B được triển khai tại 20 huyện thuộc 12 tỉnh, thành phố và dành cho trẻ từ 1 - 5 tuổi. "Chúng tôi không dám chủ quan, nhưng phải nói rằng, tình hình viêm não Nhật Bản B chưa phải là vấn đề căng thẳng ở phía Nam" - GS Hạ Bá Khiêm tái khẳng định. Ông nói thêm rằng, việc chưa thấy hết thực chất sự việc khiến cho người dân lo lắng, xôn xao và ngành y tế thì cũng vất vả không kém. Phó Viện trưởng Viện Pasteur - bà Trương Xuân Liên - thông báo số liệu mới nhất về tình trạng quá tải: Ngày 18-6 có khoảng 1.000 trẻ đến chích ngừa và chỉ buổi sáng 19-6 đã chích hơn 1.000 liều! Bà nói: "Quá tải lớn, không thể trở tay!". Sự bất lợi do tình trạng người, xe rầm rập kéo về là khá rõ ràng: trật tự, vệ sinh bị ảnh hưởng, người đến xét nghiệm sinh học bình thường chờ đợi lâu, nhiều phòng ban của viện buộc phải huy động để giải quyết công việc. Theo lời bà Trương Xuân Liên, trước mắt, viện sẽ chia 6 điểm chủng ngừa hiện có thành 2 khu vực riêng để tránh cảnh chen lấn.
Trả lời câu hỏi về cơ chế lây truyền và cách phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản B, GS Hạ Bá Khiêm nói: Chủ vật chứa vi rút viêm não Nhật Bản B là chim, lợn. Muỗi là vật trung gian truyền bệnh. Ông đề nghị người dân thường xuyên làm vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, khơi thông cống rãnh, lấp các vũng nước đọng, phát quang bụi rậm quanh nhà và chuồng gia súc, không để chuồng trại gia súc gần nhà, sử dụng các biện pháp dân gian để diệt muỗi, ngủ màn, không để trẻ em chơi gần các bụi rậm, nhất là lúc sẩm tối.
NLÐ 20-6