Bệnh viêm não và viêm màng não
Cách nhận biết những triệu chứng
Bệnh viêm màng não rất khó chẩn đoán ở trẻ ít tháng, do trẻ không có khả năng biểu hiện trạng thái.
Khi thấy hiện tượng trẻ sốt cao, nôn mửa vọt như cầu vồng, biếng ăn, ngủ lịm và thóp phình to, hãy nghĩ ngay tới viêm màng não.
Hãy luôn để ý xem trẻ có nhắm nghiền mắt khi ra ánh sáng chói không? Phải cho trẻ tới bệnh viện ngay nếu thấy những hiện tượng này. Bác sĩ sẽ chọc dò tủy sống để lấy mẫu dịch não tủy của trẻ để thử nghiệm xem tình trạng bệnh.
Bệnh viêm màng não
Là tình trạng viêm thũng của các lớp màng bao bọc não và tủy sống, do một quá trình nhiễm siêu vi hoặc vi khuẩn dẫn tới.
Khi thấy trẻ có các triệu chứng như : sốt cao tới 39oC. Cứng cổ. Nhức đầu. Không chịu được ánh sáng chói. Nôn mửa. Ngủ lịm. Lì bì và lú lẫn. Nổi ban đỏ thẫm toàn thân. Thóp trên đầu phình ra nếu trẻ dưới 2 tuổi. Tức là trẻ có nhiều khả năng bị viêm màng não. Ðối với trẻ lớn từ 2 tuổi trở lên, khi thấy những hiện tượng trên, hãy kiểm tra ngay bằng cách bảo trẻ cúi cổ xuống sao cho cằm chạm ngực, nếu trẻ kêu đau và bị cứng cổ, hãy nghĩ ngay tới chứng viêm màng não và lập tức đưa trẻ vào viện. Trong khi trẻ sốt cao, nôn mửa, biếng ăn... hãy năng cho trẻ uống nước từ 10 đến 15 phút/lần từng lượng nhỏ khi chưa kịp đưa trẻ tới bệnh viện để tránh tình trạng mất nước. Nên cho thêm vào ly nước lớn 1 thìa cà phê muối và 1/2 thìa đường glucose. Cặp nhiệt độ thường xuyên để theo dõi nhiệt độ của trẻ. Hạ nhiệt bằng mọi cách để tránh tình trạng co giật (lau người trẻ bằng nước ấm, chườm cồn nếu trẻ sốt tới 40oC, uống paracetamol hoặc nhét viên đạn hạ sốt vào hậu môn trẻ, cho trẻ nằm nơi thoáng nhưng kín gió, mặc quần áo mỏng...).
Bệnh viêm não
Là tình trạng sưng não.
Các nguyên nhân thông thường nhất ở trẻ em khi bị viêm não là nhiễm siêu vi sau thủy đậu, quai bị hoặc sởi.
Triệu chứng: trẻ đau đầu dữ dội, đau khi cử động cổ, không chịu được ánh sáng chói, bỏ ăn, nôn mửa, buồn ngủ, lừ đừ, lú lẫn, trong những giai đoạn sau co giật và hôn mê, dễ dẫn đến tử vong.
Ðể tránh căn bệnh này, khi trẻ nhỏ, phải tuân thủ lịch tiêm chủng ngừa các bệnh thủy đậu, quai bị, sởi và các bệnh khác, vì những bệnh này rất dễ biến chứng thành viêm não.
Bệnh quai bị: do siêu vi gây nên, có thời gian ủ bệnh từ 17 đến 28 ngày. Quai bị là bệnh nhẹ, nhưng nếu cha mẹ không kiêng khem cho trẻ cẩn thận, rất dễ bị biến chứng. Biến chứng nghiêm trọng nhất của quai bị là viêm não và viêm màng não. Sau 10 ngày trẻ bị quai bị, thấy trẻ nhức đầu dữ dội, cứng cổ, sợ ánh sáng chói, có thể trẻ đã bị viêm não hoặc viêm màng não.
Bệnh thủy đậu: là bệnh truyền nhiễm thông thường ở trẻ em, có thời gian ủ bệnh từ 17 - 21 ngày.
Triệu chứng: nhức đầu, sốt, nổi các nốt như những bọng nước nhỏ xíu và có thể lây. Thủy đậu là bệnh không nghiêm trọng, nhưng siêu vi thủy đậu có thể sinh ra viêm não. Khi thấy trẻ sốt cao, kêu đau cổ khi quay, trong khi các nốt thủy đậu đã đóng vảy, hãy nghĩ ngay tới viêm não hoặc viêm màng não.
Bệnh sởi: ủ bệnh từ 8 - 14 ngày.
Triệu chứng: cảm thường, sốt cao và có những đốm nhỏ mọc trong miệng, mắt đỏ và đau mắt. 3 ngày sau có những nốt ban màu đỏ nâu mọc lên dưới da (bắt đầu từ sau tai), nếu sau 8 - 12 ngày bị sởi, trẻ vẫn sốt cao, đau đầu dữ dội, bỏ ăn khi những nốt ban nâu nhạt đã bay hết, hãy nghĩ tới chứng viêm não, viêm màng não, viêm tai giữa và viêm phổi.
Trần Tường Vi (Theo tài liệu của Viện nhi Thụy Ðiển)