BỆNH NHIỄM TRÙNG Ở DA
BS. HUỲNH HUY HOÀNG
Chuyên khoa Da liễu
Ở Việt Nam nhất là các tỉnh miền Nam, quanh năm hầu như nắng nóng và ẩm, môi
trường luôn luôn bị ô nhiễm nhất là ở những thành phố lớn. Do đó ở trên da của
chúng ta thường gặp một số vi trùng trong đó tụ cầu trùng (STAPHYLOCOCCUS) và
liên cầu trùng (STREPTOCOCCUS) là thường dễ gặp nhất. Bình thường loại vi trùng
trên không gây bệnh ở da, tuy nhiên khi gặp điều kiện thuận lợi như cơ thể bị
suy yếu, vệ sinh da kém, môi trường nóng nực, ngứa gãi, bị chấn thương ở da, bị
bệnh đái đường v.v... thì vi trùng tăng độc tính và gây ra tình trạng nhiễm
trùng da. Có hai loại nhiễm trùng da gây ra do tụ cầu và do liên cầu riêng lẻ
hoặc cùng phối hợp cả hai loại vi trùng.
Dưới đây là một số bệnh nhiễm trùng da thường gặp.
I. NHIỄM TRÙNG DA DO TỤ CẨU
1. Nhọt: Nhọt là tình trạng viêm toàn bộ nang lông và tổ chức chung
quanh làm hoại tử cả một vùng. Nhọt thường trải qua các giai đoạn như cứng,
sưng, nóng, đỏ, đau; dần dần nhọt mềm nhũn vỡ ra chảy nước và trở thành sẹo. Khi
nổi nhọt thì thường kèm theo sốt cao, có thể kèm viêm hạch ở vùng kế cận. Vị trí
hay gặp nhọt là ở vùng sau gáy, lưng, mông. Một người có thể nổi một nhọt hoặc
nhiều nhọt cùng một lúc, nguy hiểm nhất là tụ cầu trùng có thể xâm nhập vào máu
gây nhiễm trùng máu rất dễ gây tử vong.
- Hậu bối: Là một cụm nhọt gặp ở vùng sau gáy, sau lưng, xương cùng.
- Nhọt bầy: Là nhiều nhọt mọc rải rác liên tiếp hết đợt này đến đợt
khác dai dẳng và hay tái phát.
- Nhọt ổ gà: Là tình trạng viêm nang lông kèm theo viêm tuyến mồ hôi,
thường gặp ở nách tạo thành những nhọt nhỏ, lúc đầu cứng sau đó mềm, vỡ ra. Bệnh
kéo dài dai dẳng hay tái phát, tạo thành nhiều u và sẹo xấu.
2. Đinh râu: Khi nhọt mọc ở vùng lông quanh miệng thì gọi là đinh râu.
Đinh râu có thể do cạo râu, nhổ râu, nặn mụn, côn trùng đốt v.v... làm vùng da ở
đó dễ bị nhiễm tụ cầu trùng có saün trên da gây bệnh. Nguy hiểm nhất của đinh
râu là tụ cầu trùng có thể xâm nhập vào mạch máu gây viêm tắc tĩnh mạch xoang dễ
đưa đến tử vong.
3. Viêm nang lông: Viêm nang lông là tình trạng viêm cạn hoặc sâu ở
từng nang lông riêng biệt. Biểu hiện triệu chứng là những sẩn ngứa đỏ nhỏ hoặc
mụn mủ, kèm theo ngứa hoặc không. Vị trí thường hay bị bệnh là những vùng có
nhiều lông tóc như ở da đầu, nách, mắt, lông mày, lông bộ phận sinh dục.
II. NHIỄM TRÙNG DA DO LIÊN CẨU
1. Chốc: Chốc là bệnh nhiễm trùng da nguyên phát thường gây ra do liên
cầu trùng, sau đó có thể phối hợp với tụ cầu trùng, chốc thường gặp ở trẻ em và
hay xuất hiện ở đầu, mặt, cổ.
Bệnh khởi phát bằng một bóng nước trong hơi dẹp, tròn đều, chung quanh có
quầng viêm hoặc khởi phát bằng một dát hồng trên đó sẽ nổi một bóng nước. Sau
vài giờ, bóng nước đục dần có mủ rồi sẽ vỡ, đóng mày màu vàng giống màu mật ong;
dưới lớp mày là một vết trợt đỏ, rớm dịch, thương tổn nằm cạn ở dưới lớp sừng.
Bệnh có thể lây lan qua các vùng kế cận, có thể gây viêm hạch bạch huyết và viêm
cầu thận. Bệnh chốc sau khi lành thường để lại dát thâm kéo dài.
2. Chốc hóa:
Chốc hóa là tình trạng bội nhiễm thêm liên cầu trùng thứ phát sau khi bị một
số bệnh ngoài da nào đó như: viêm da tiếp xúc, tổ đỉa, sẩn ngứa, chí tóc, lác
sữa ở trẻ con, chàm, ghẻ, nấm da, bệnh luput đỏ v.v... thường không thấy có bóng
nước, chỉ thấy rịn dịch, rịn mủ và sau đó đóng mày vàng màu mật ong.
3. Chốc loét:
Thương tổn giống như chốc nhưng ăn sâu xuống lớp trung bì và gây loét rộng.
Yếu tố thuận lợi để bị chốc loét là: giãn tĩnh mạch, viêm mao mạch, ngứa gãi,
bệnh tiểu đường, suy nhược cơ thể, vệ sinh kém. Thương tổn bắt đầu bằng bóng
nước hay mụn mủ sau đó vỡ đóng mày to màu vàng hay nâu đen. Chốc loét thường gặp
ở 1/3 chi dưới ở mông, vùng sinh dục ở nữ kém vệ sinh.
4. Viêm quầng:
Do liên cầu trùng có độc tính mạnh xảy ra tự nhiên hoặc do một sự xây sát
da. Bắt đầu bằng triệu chứng mệt mỏi, sốt cao sau đó có vùng bị viêm đỏ càng
ngày càng lan to, sưng, nóng, đỏ, đau. Bệnh kéo dài từ 1 tuần đến 2 tuần, sau đó
có thể giảm dần để lại chỗ sẫm màu và bong da. Ở người già bệnh có thể tiến
triển nặng hơn, gây hoại tử cả một vùng và gây tử vong.
III. ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA
- Cần luôn luôn giữ da thoáng mát, tránh mặc quần áo chật chội, nên làm việc
trong môi trường ít nóng bức.
- Không lạm dụng nhiều chất ngọt.
- Tắm hàng ngày với thuốc tím pha loãng hoặc với xà bông có tính sát trùng có
bán saün trên thị trường.
- Khi bị bất cứ một thương tích da thì cần rửa sạch ngay, sau đó bôi thuốc
chống nhiễm trùng như: Eosine, Milian, Bactroban, Fucidin, Neosporin v.v...
- Dùng kháng sinh ít bị đề kháng với tụ cầu, liên cầu như Bristopen,
Pyostacin.
- Ở người già cần kiểm tra đường máu thường xuyên nếu bị đường máu cần chữa
trị và theo dõi liên tục, cần lưu ý đến những vết thương trầy xước nhỏ.