HIV TRUYỀN TỪ MẸ SANG CON NHƯ THẾ NÀO?
GS. ĐẶNG PHƯƠNG KIỆT
Nhiễm trùng HIV có thể truyền từ người mẹ đã nhiễm virus sang đứa con của
mình lúc còn mang thai (thai nhi) hoặc lúc đẻ (sơ sinh). Đây là một hình thái
truyền nhiễm HIV cực kỳ quan trọng tại các nước đang phát triển, nơi tỷ lệ giữa
những phụ nữ nhiễm HIV với nam giới nhiễm HIV ngang nhau 1:1. Tại Hoa kỳ, khoảng
1.600 sơ sinh mỗi năm nhiễm HIV từ người mẹ. Kết quả phân tích virus học những
thai sẩy cho thấy HIV có thể truyền sang thai nhi vào thời kỳ mang thai, ngay từ
ba tháng đầu hoặc ba tháng thứ hai. Tuy vậy việc truyền từ mẹ sang thai diễn ra
thông thường nhất vào giai đoạn chu sinh. Kết luận này là căn cứ vào một
những quan sát, bao gồm:
1. Khung thời gian nhận diện nhiễm trùng bởi sự hiện diện theo trình tự các
lớp kháng thể với HIV (nghĩa là: sự xuất hiện kháng thể IgA đặc hiệu với HIV nội
trong 3 đến 6 tháng sau khi đẻ).
2. Cấy virus dương tính.
3. Sự xuất hiện kháng nguyên p24 trong máu nhiều tuần tới nhiều tháng sau khi
đẻ, nhưng không phải ngay lúc đẻ.
4. Một thử nghiệm phản ứng chuỗi men polymerase (PCR) trong máu đứa trẻ tuy
âm tính lúc đẻ nhưng trở thành dương tính nhiều tháng sau đó.
5. Bằng chứng nói rằng trẻ sinh đôi ra trước của một người mẹ đã nhiễm HIV
thường dễ bị nhiễm hơn so với trẻ sinh đôi ra sau.
6. Bằng chứng nói rằng việc mổ lấy thai làm giảm nguy cơ truyền bệnh cho sơ
sinh.
Tỷ lệ truyền HIV từ người mẹ nhiễm virus không được điều trị sang thai hoặc
sơ sinh là khoảng 25% (tại Hoa Kỳ). Những nghiên cứu tại nhiều nước khác nhau
cho thấy những tỷ lệ lây nhiễm rất khác nhau, từ mức thấp nhất là 12,9% tại các
nước châu Âu (nghiên cứu phối hợp) tới mức cao khoảng 45 đến 48% tại một số nước
châu Phi (Nairobi, Kenya...) hoặc châu Á. Những khác biệt này có thể liên quan
đến tính thích đáng của việc chăm sóc trước khi đẻ cũng như đến giai đoạn bệnh
của HIV và đến tình trạng sức khỏe nói chung của người mẹ khi mang thai. Những
tỷ lệ nhiễm ở mức cao thấy có liên quan đến giai đoạn bệnh muộn hơn, số lượng tế
bào T CD4+ thấp hơn, mức nhiễm virus - máu cao và tình trạng thiếu hụt vitamin A
ở người mẹ, cũng như có liên quan tới viêm màng ối và viêm dây rốn. Ngoài ra,
chuyển dạ lâu một khoảng thời gian dài từ lúc vỡ ối đến khi thai xổ và các yếu
tố làm tăng sự phơi nhiễm của đứa bé với máu của người mẹ. Kể cả việc đặt các
điện cực vào da đầu thai nhi, thủ thuật cắt tầng sinh môn và những vết rách rộng
ở cổ tử cung và âm đạo, đều có thể góp phần vào việc truyền nhiễm cho trẻ.
Về phương diện nhiễm virus huyết, có báo cáo cho rằng khi nồng độ ARN virus
trong huyết tương nơi người mẹ ở mức dưới 100.000 bản sao trong một mililit, thì
chỉ có 3% có khả năng truyền sang thai nhi. Sau cùng, người ta cho rằng nếu
người mẹ trải nghiệm nhiễm HIV tiên phát trong lúc đang mang thai thì tỷ lệ
truyền bệnh sang thai cao hơn là vì mức nhiễm virus huyết cao tiếp theo nhiễm
trùng tiên phát. Điều trị những sản phụ nhiễm HIV bắt đầu từ tháng thứ hai của
kỳ thai cho tới khi đẻ và điều trị cho trẻ sơ sinh trong 6 tuần từ khi đẻ bằng
zidovudine đã làm giảm đáng kể tỷ lệ truyền bệnh HIV từ
22,6% trong máu không được điều trị xuống còn 7,6% trong nhóm được điều trị bằng
zidovudine. Người ta hy vọng tỷ lệ truyền bệnh còn giảm thêm nữa nếu
phối hợp điều trị cho các thai phụ nhiễm HIV bằng các thuốc có hiệu lực hơn nữa.
Việc truyền HIV từ mẹ sang con sau khi đẻ đã được chứng minh rõ ràng,
nhấn mạnh khả năng truyền bệnh qua sữa non và qua việc cho con bú; virus đã được
phân lập từ hai loại sữa này. Trong một số ít trường hợp, những người mẹ đã
nhiễm HIV do truyền máu sau khi xổ thai thì chỉ có nguy cơ truyền bệnh cho con
bằng con đường duy nhất là sữa mẹ. Đây là một phương thức quan trọng
truyền HIV tại các nước đang phát triển, nhất là tại những nơi các bà mẹ tiếp
tục cho con bú lâu hơn thời gian thông thường tại các nước phát triển. Nhiều
công trình nghiên cứu chứng minh nguy cơ
truyền bệnh bằng sữa mẹ là từ 7 đến 22%. Những phụ nữ có số lượng tế bào T
CD4+ thấp, đặc biệt có thiếu hụt vitamin A, thì có thể làm tăng nguy cơ truyền
HIV cho con qua sữa mẹ. Có điều chắc chắn là tại các nước đã phát triển, các bà
mẹ bị nhiễm HIV thì nên tránh cho con bú. Tuy vậy, hiện nay chưa có sự nhất trí
trong việc đưa ra các lời khuyên cho con bú tại một số nước đang phát triển, nơi
sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng thích hợp duy nhất cũng như cung cấp khả năng miễn
dịch chống các bệnh nhiễm trùng nặng cho trẻ.