Phương pháp mới chữa khỏi hoàn toàn bệnh viên gan C
Điều trị sớm viêm gan C giúp phòng ngừa viêm gan mạn tính. |
Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Đức và Italia cho thấy việc sử dụng interferon A trong những tháng đầu sau khi nhiễm virus viêm gan C sẽ giúp loại trừ hoàn toàn virus ra khỏi cơ thể, với tỷ lệ thành công gần 100%. Kết quả này được tạp chí Khoa học Mới của Anh (NMJE) đưa ra ngày 2/10.
Nghiên cứu được thực hiện trên 44 bệnh nhân tại 24 bệnh viện ở Đức. Bệnh nhân bắt đầu được điều trị khoảng 3 tháng sau khi nhiễm bệnh. Những người này được tiêm interferon A hằng ngày trong 4 tuần, sau đó là 3 lần/tuần trong 20 tuần. Tới cuối thời gian điều trị, virus đã giảm tới mức không thể phát hiện được ở 42 trong số 43 bệnh nhân tham gia điều trị đến cùng. Interferon là chất do cơ thể tiết ra, có khả năng chống virus và chống ung thư.
Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là phải được thực hiện trong vài tháng sau khi nhiễm bệnh. Đây là điều hết sức khó khăn. Do các biểu hiện ban đầu của viêm gan C hay bị lẫn với bệnh cảm cúm nhẹ (như đau cơ hay chán ăn), phần lớn bệnh nhân không nhận ra rằng mình đã nhiễm virus và bệnh thường chỉ được phát hiện sau nhiều năm. Vì vậy, việc điều trị cũng được tiến hành muộn.
Hiện tại, bệnh nhân thường được dùng kết hợp interferon A và thuốc chống virus ribavirin. Phương pháp này giúp loại trừ virus trong 50% trường hợp. Từ đó có thể thấy việc phát hiện bệnh sớm là hết sức quan trọng.
Theo kế hoạch, thông tin này sẽ chỉ được công bố trên số báo ngày 15/10, nhưng ban biên tập NMJE đã quyết định sớm đưa kết quả này lên website của họ vì lợi ích của bệnh nhân.
Viêm gan C thường lây truyền qua đường máu. Phần lớn bệnh nhân nhiễm bệnh khi tiêm chích ma túy. Một số người bị bệnh do chẳng may bị kim đâm tại bệnh viện hay phòng mổ. Khoảng 170 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh này. Bệnh đã trở nên ít gặp hơn kể từ năm 1991, khi các ngân hàng máu bắt đầu tiến hành sàng lọc máu. Tuy nhiên, viêm gan C vẫn là nguyên nhân hàng đầu của bệnh gan mạn tính tại Mỹ và là nguyên nhân hay gặp nhất dẫn tới việc ghép gan.
Thu Thủy (theo AP)