Viêm nhiễm đường sinh dục - nỗi kinh hoàng của phụ nữ
Vi khuẩn E. Coli có thể gây nhiễm trùng đường sinh dục. |
Nghiên cứu tiến hành trên phụ nữ một số tỉnh phía Bắc mới đây cho thấy, tỷ lệ người bị viêm nhiễm đường sinh dục đã lên tới mức báo động (42%-64%). Công việc hành chính và nghề dệt, may khiến phụ nữ phải ngồi nhiều, tạo nên độ ẩm cao là điều kiện lý tưởng để nấm, vi khuẩn gây bệnh phát triển.
Điều tra được tiến hành trên hơn 2.500 phụ nữ, lứa tuổi 18-45, tại các khu vực địa lý khác nhau như: Hà Nội, vùng núi Nghệ An, vùng chiêm trũng Hà Nam, nông thôn đồng bằng Hải Dương và nông thôn ven biển Thái Bình. Kết quả khám và làm xét nghiệm cho thấy, tỷ lệ viêm nhiễm đường sinh dục của phụ nữ ở các địa phương này cao đến mức báo động:
- Cao nhất là ở phụ nữ dân tộc Thái tại Nghệ An: 64%.
- Thấp nhất là ở nội thành Hà Nội: 42% (đối tượng nghiên cứu là nữ cán bộ, công nhân thuộc 3 nhà máy lớn).
- Các vùng còn lại (ngoại thành Hà Nội, ven biển Thái Bình, vùng chiêm trũng Hà Nam, đồng bằng Hải Dương): Dao động trong khoảng 52% - 60%.
Tìm hiểu vi khuẩn gây bệnh, các tác giả nhận thấy nấm Candida là nguyên nhân hay gặp nhất. Ngoài ra còn có một số vi khuẩn và ký sinh trùng khác như tụ cầu vàng, trùng roi âm đạo, E.Coli...
Nguyên nhân
Theo TS Lê Thị Oanh, Bộ môn vi sinh, Đại học Y Hà Nội, tác giả công trình nói trên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng lo ngại này:
1. Về phía ngành y tế
- Chẩn đoán bệnh khó khăn: Ngành y tế vẫn chưa ban hành được tiêu chuẩn chẩn đoán viêm nhiễm đường sinh dục. Việc chẩn đoán vẫn hoàn toàn dựa vào cảm quan bằng mắt và tay của y, bác sĩ. Ngay cả ở các thành phố lớn, một số cán bộ ngành sản phụ khoa vẫn chưa biết cách chẩn đoán phát hiện loại vi khuẩn gây bệnh đường sinh dục mới có tên là Gardnerella vaginalis.
- Cán bộ y tế tuyến xã chưa đủ kiến thức chuyên môn nên thường cho bệnh nhân dùng thuốc sai. Ví dụ tất cả các bệnh nhân viêm nhiễm đường sinh dục đều được kê đơn Chlorocid, trong khi mỗi loại vi khuẩn đòi hỏi một loại thuốc phù hợp.
2. Về phía người bệnh
- Những thói quen không tốt trong vệ sinh hằng ngày (có những trường hợp không có băng vệ sinh, chị em phải ngồi lên rổ, thúng đựng tro bếp khi đến kỳ kinh).
- Thiếu sự hiểu biết về căn bệnh này cũng như cách phòng tránh.
- E ngại không dám đi khám bác sĩ khi phát hiện ra bệnh.
- Tự mua thuốc về điều trị, không theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Điều kiện sinh hoạt chưa đảm bảo (không có nơi phơi quần áo, nơi ở không tiện cho vợ chồng làm vệ sinh trước và sau khi quan hệ tình dục).
PGS Oanh đã đưa ra một số kiến nghị để cải thiện tình hình này:
- Đảm bảo nguồn nước sạch, điều kiện lao động... cho phụ nữ.
- Tăng chất lượng khám chữa bệnh. Đảm bảo vô trùng tuyệt đối khi tiến hành các thủ thuật liên quan đến bộ phận sinh dục.
- Tuân thủ quy định hiện nay là không đặt dụng cụ tránh thai cho những người bị viêm nhiễm đường sinh dục.
Một số sai lầm dẫn đến tình trạng viêm nhiễm đường sinh dục ở
phụ nữ 1. Không vệ sinh trước và sau khi quan hệ tình dục (kể cả người chồng). 2. Phụ nữ thường tự cho mình là bẩn nên khi có dấu hiệu bất thường không đi khám bác sĩ ngay. 3. Không thay quần áo lót hằng ngày. 4. Không phơi đồ lót ra nắng, không là (ủi) nên không diệt được vi khuẩn. 5. Không lau khô bằng khăn, giấy sạch sau khi đi tiểu. |