Những điều cần biết về bệnh lao
Mỗi năm, số bệnh nhân lao được phát hiện ở Việt Nam tăng 7%, trong đó hơn 90% thuộc lứa tuổi 25-54. Việc điều trị bệnh này ngày một khó khăn do sự kháng thuốc của vi khuẩn.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang báo động toàn cầu về sự lây lan của các dòng khuẩn lao kháng thuốc. Nếu không hành động kịp thời, những dòng “siêu khuẩn” này sẽ làm tê liệt toàn bộ các liệu pháp trị bệnh hiện nay. Nguy cơ kháng thuốc tăng lên là do người bệnh đã không nghiêm chỉnh tuân theo liệu trình dùng thuốc hoặc không được chăm sóc hợp lý. Các quốc gia Đông Âu và trung tâm châu Á là những điểm dịch lao lớn nhất trên thế giới. Khoảng 14% số ca bệnh mới ở đây có liên quan đến những dòng khuẩn lao kháng đa thuốc (MDR).
Giải đáp một số câu hỏi về bệnh lao:
1. Nên đi khám phát hiện lao khi nào?
- Khi có các triệu chứng lâm sàng như mệt mỏi, chán ăn, gầy ốm, sụt cân từ từ. Kế tiếp là ho, có thể ho khan hay có khạc đàm, dấu hiệu đáng chú ý nhất là khạc đàm có lẫn ít máu. Bệnh nhân thường sốt âm ỉ về chiều tối, cảm thấy mệt mỏi nhiều hơn buổi sáng, khả năng lao động giảm sút, mất tập trung.
Nếu có ho khạc kéo dài trên một tuần, phải đến các tổ lao quận huyện hoặc bệnh viện lao xin thử đờm và chụp X-quang phổi để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
2. Để phòng bệnh, có cần mang khẩu trang khi ra đường và đến các nơi đông người bệnh?
- Một người bệnh chỉ là nguồn lây khi có vi trùng lao trong đờm. Nếu không được chữa thì trong vòng một năm, người đó sẽ lây cho 15-20 người. Thời gian ủ bệnh tùy từng cơ thể, người có sức đề kháng thấp thì vi trùng phát triển nhanh; còn người cơ thể có sức đề kháng tốt sẽ vượt qua, không mắc bệnh.
Không phải tất cả những người nhiễm lao đều mắc bệnh lao. Một số người có tổn thương lao trên phim X-quang nhưng không cần chữa trị vì cơ thể tự điều tiết để chống lại vi khuẩn lao.Vì vậy, chúng ta cần giữ gìn sức khỏe. Khi tiếp xúc với những người bệnh lao phổi có nguồn lây thì người bệnh phải đeo khẩu trang. Bệnh nhân khi ho khạc phải nhổ vào lon giấy có nắp đậy và đốt.
Trong 1 ml đờm có vài chục nghìn con vi khuẩn lao. Dưới ánh nắng mặt trời, vi khuẩn sẽ bị giết chết; nhưng trong môi trường ẩm thấp, thiếu ánh nắng, nó sẽ tồn tại rất lâu.
3. Người thân của bệnh nhân lao có cần tiêm vacxin hay uống thuốc dự phòng không?
- Tất cả trẻ sơ sinh đều phải tiêm phòng vacxin BCG. Người lớn không cần tiêm vacxin hay uống thuốc dự phòng vì không có tác dụng, chỉ nên chụp kiểm tra phổi để phát hiện sớm.
BS Hoàng Thị Quý (Theo Tuổi Trẻ)