Phòng chống lao ngày nay ở Việt Nam
BS. Lê Bá Tung, Trung tâm Lao và Bệnh Phổi Phạm Ngọc Thạch (2/2002)
Lao hiện nay là vấn đề khẩn cấp của sức khỏe toàn cầu
Y tế thế giới xác nhận lao hiện nay là bệnh giết nhiều người nhất trong các bệnh nhiễm. Năm 1999 có khoảng 2 triệu người chết vì lao, phần lớn ở trong tuổi lao động sản xuất (15 - 49) và tại các nước nghèo. Bệnh lao hây chết hàng đầu cho người HIV/AIDS 33 – 50%. Số bệnh lao mới mắc hàng năm vào khoảng 8 triệu người. Tổng số lao mới và cũ đang lưu hành trên thế giới khoảng 16 triệu. Một phần ba dân số thế giới đã bị nhiễm lao trong đó có 11 triệu người đồng nhiễm cả lao và HIV.Từ 1985 cho đến nay bệnh lao đã gia tăng nhiều tại các nước đang phát triển với hình thức khó chẩn đoán hơn, phát bệnh sớm hơn, chết nhanh hơn ở bệnh nhân lao có nhiễm HIV và dưới hình thức nguy hiểm hơn đó là lao kháng thuốc và kháng đa thuốc lao. Tại các nước nghèo hiện nay lao kháng đa thuốc thì không có khả năng chữa trị được.
Lao hiện nay còn là vấn đề y tế xã hội quan trọng ở Việt Nam
Bệnh lao là một be6nh xã hội quan trọng vì có đông người trong xã hội mắc phải và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố kinh tế xã hội. Năm 1999 Y tế Thế giới xếp Việt Nam đứng thứ 11 trong 22 nướccó nhiều bệnh lao nhất trên toàn cầu. Số mắc lao mới hàng năm khoảng 189/100.000 dân và tổng số lao mới vã cũ đang lưu hành khoảng 289/100.000 dân. Năm 1995 chương trình chống lao được nhà nước công nhậnlà 1 trong 7 chương trình y tế có trọng điểm của quốc gia. Cuối năm 2000 mạng lưới chống lao hiện đại “DOTS” của Y tế Thế giới đề ra từ năm 1995 (điều trị lao với phác đồ ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp dots: D. directly, O. observed, T. treatment, S. shortcourse). Năm 2000 cả nước có phát hiện và thu dung điều trị cho 90.754 lao các loại trong đó có 53.169 lao phổi mới tìm có vi khuẩn lao trong đàm soi trực tiếp.
Lao phổi có thể phát hiện sớm qua triệu chứng ho khạc kéo dài trên 3 tuần lễ và xác nhận chẩn đoán bằng xét nghiệm đàm soi trực tiếp tại tất cả các cơ sở y tế quận huyện thị xã.
Lao là bệnh nhiễm khuẩn lây truyền có từ lâu đời và tác nhân gây bệnh chính là trực khuẩn hình que được nhà bác học Robert Kock tìm ra trong đàm của người bị lao phổi từ năm 1882. Bệnh lao có 2 thể: lao phổi và lao ngoài phổi. Lao phổi chiếm từ 70% đến 80% trong tổng số lao chung. Lao phổi là thể gây chủ yếu theo đường hô hấp từ người bệnh sang người lành. Người bệnh lao khi ho khạc hay hắt hơi làm bắn ra bên ngoài nhiều vi khuẩn lao nằm trong các hạt đàm nhớt li ti bay lơ lửng trong không khí. Người bệnh sẽ bị nhiễm lao nếu hít phải không khí có chức vi khuẩn lao. Lao phổi tìm có vi khuẩn lao trong đàm soi trực tiếp là nguồn lây lao chính cho cộng đồng. Mỗi gnười lao phổi trên có thể lây cho 20 – 30 người lành trong 2 năm nếu không được điều trị lành.
Lao phổi thường có triệu chứng toàn thân và triệu chứng hô hấp
Triệu chứng toàn thân thường gặp là gầy, sụt cân, sốt vã mồ hôi (rất rõ ở người lao có HIV) mệt mỏi, chán ăn... Triệu chứng hô hấp quan trọng và thường gặp là ho dai dẳng trên 3 tuần lễ có khạc đàm hay vướt máu, đau ngực khó thở...
Lao ngoài phổi tùy theo vị trí tổn thương mà có triệu chứng chhuyên biệt như lao hạch ngoại vị, lao xương khớp...
Khi thấy các dấu hiệu nghi lao trên đặc biệt là triệu chứng ho khạc nên đến khám tại Trạm Y tế phường xã tổ lao quận huyện hay Trung tâm Phòng chống Lao tỉnh để phát hiện kịp thời bệnh lao và chữa trị sớm để chóng lành bệnh.
Chương trình chống lao hiện nay chủ trương ưu tiên phát hiện nguồn lây lao chính bằng thử đàm soi trực tiếp được thực hiện tại cơ sở y tế ở quận huyện. Đó là biện pháp chẩn đoán chính xác nhanh, rẻ tiền, dễ thực hiện ngay tại các quận huyện. Chụp Xquang hay các xét nghiệm khác chỉ là biện pháp hỗ trợ thêm.
Bệnh lao có thể phòng hữu hiệu hiện nay bằng 2 cách: tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 1 tuổi với vácxine BCG để ngừa các thể lao cấp tính như lao kê, lao màng não cho trẻ em... Chính việc phát hiện sớm lao phổi và điều trị tích cực cho lành là cách phòng hữu hiệu nhất vì đã dập tắt được nguồn lây lao chính. Lao phổi có vi khuẩn trong đàm soi tru65c tiếp sau 2 – 3 tuần lễ điều trị thì không còn khả năng lây nhiễm nữa, vì số lượng vi khuẩn lao đã giảm rất nhanh.
Ngày nay bệnh lao có thể điều trị khỏi gần 100% với chiến lược DOTS của YTTG. Ở Việt Nam đã bắt đầu triển khai chiến lược DOTS từ 1989 tại một số huyện đid63m và triển khai ra diện rộng che chở gần 100% dân số cho đến ngày hôm nay với phác đồ hóa ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp.
Bệnh lao mới các thể được điều trị với phác đồ hóa ngắn ngày 8 tháng: 2 tháng tấn công với 4 thuốc S,H,R,Z và củng cố 6 tháng với 2 thuốc H,E (2SHRZ/6HE): giai đoạn tấn công 2SHRZ điều trị ngoại trú có kiểm soát trực tiếp tại trạm y tế phường, xã hay tổ lao quận huyện. Trường hợp nặng mới nằm nội trú bệnh viện huyện hay tỉnh. Giai đoạn củng cố 6HE bệnh nhân lãnh thuốc mỗi tháng 1 lần đem về uống tại nhà và được theo dõi bởi các bộ y tế xã mỗi tháng 2 lần. Phác đồ 2SHRZ/6HE đã điều trị lành 90% và chỉ thất bại dưới 3%. Nếu bệnh lao mới bị thất bại với phác đồ 2SHRZ/6HE hay bị tái phát với phác đồ trên thì được tái điều trị với phác đồ hóa ngắn ngày 8 tháng 2SHRZE/1HRZE/5R3H3E3. Giai đoạn tấn công 3 tháng và củng cố 5 tháng được điều trị có kiểm soát trực tiếp chủ yếu tại tổ lao quận huyện với y tế phường xã, điều trị có kiểm soát cả 2 giai đoạn. Phác đồ tái trị này chữa lành thêm 70% số thất bại với phác đồ 2SHRZ/6HE.
Ngày nay lao phổi mới tìm có vi khuẩn lao trong đàm soi trực tiếp được điều trị chủ yếu ngoại trú có kiểm soát tại trạm y tế cơ sở gần nhà, điều trị đúng phác đồ, đùng liều lượng đều đặn không bỏ trị nửa chừng và đúng thời gian qui định theo chiến lược DOTS với 2 phác đồ hiện có trong CTCL Việt Nam có thể chữa lành đến 99% và chỉ còn dưới 1% là thất bại với cả 2 phác đồ và trở thành lao mãn tính.
CTCL Việt Nam đã triển khai thực hiện chiến lược điều trị lao DOTS trên toàn quốc quốc đạt chỉ tiêu âm hóa nguồn lây lao (lành bệnh) trên 85% và phấn đấu phát hiện lao phổi có vi khuẩn lao trong đàm soi trực tiếp đạt trên 70% số ước tính hiện có để đạt được cả 2 chỉ tiêu chống lao trên mà YTTG đã đề ra cho các nước đang phát triển vào năm 2005.