VIÊM GAN SIÊU VI TRÙNG VÀ THAI NGHÉN
BS. PHÓ ĐỨC NHUẬN
Viện BVBM TSS Hà Nội
Khi người phụ nữ có thai, tình trạng thai nghén làm cơ thể họ thay đổi nhiều
về hình thể và cả về chức năng các nội tạng, do đó sức đề kháng chống lại các
nguyên nhân gây bệnh đều giảm sút. Đối với các bệnh do vi trùng và siêu vi trùng
(còn gọi là virust) người có thai dễ dàng mắc và khi mắc thì bệnh phát triển
thường nặng hơn so với người không có thai bị bệnh đó. Trong các bệnh nhiễm
trùng và siêu vi trùng đó, viêm gan siêu vi trùng khi có thai ở nước ta là một
trong những nguy cơ gây tử vong cho bà mẹ và thai nhi nghiêm trọng nhất.
Siêu vi trùng (SVT) gây bệnh viêm gan có nhiều loại và cách truyền bệnh của
chúng cũng khác nhau. Trước đây người ta chỉ mới biết có hai loại SVT gây viêm
gan là: SVT loại A gây bệnh theo đường tiêu hóa (ăn uống phải thức ăn, đồ uống
nhiễm SVT) và SVT loại B gây bệnh theo đường máu do được truyền từ người bệnh
(hoặc người lành mang bệnh) sang người lành qua tiêm chích và cũng còn do quan
hệ tình dục (vì thế viêm gan SVT B còn được xếp vào loại bệnh lây theo đường
tình dục). Ngày nay ngoài hai loại SVT A và B, y học đã xác định thêm được ba
loại SVT gây viêm gan khác nữa là các loại C, D và E.
Các loại SVT viêm gan đều có đặc tính gây thương tổn ở gan người bệnh với mức
độ nặng nhẹ có thể khác nhau. Chúng lại có một đặc điểm chung là trên người bệnh
lúc mới bắt đầu thường khó phát hiện. Người bệnh bị viêm gan thường chỉ thấy mệt
mỏi, bải hoải kéo dài. Nếu có sốt cũng thường sốt nhẹ, thoáng qua nên dễ bị bỏ
qua. Tình trạng ăn uống kém, mệt mỏi, khó tiêu kéo dài tới vài tuần. Tiểu tiện
vàng, da có thể vàng nhiều hay ít, thậm chí có khi không có vàng da. SVT loại B
còn nguy hiểm ở chỗ có thể tồn tại trong cơ thể người nhưng không gây nên một
triệu chứng bệnh nào ở người đó nhưng người mang SVT vẫn có thể lây truyền cho
người khác qua tiêm chích, truyền máu hay quan hệ tình dục. Y học gọi những
người này là người "lành" mang bệnh, phải làm các xét nghiệm máu tìm kháng
nguyên viêm gan mới có thể xác định được.
Đối với thai nghén, SVT viêm gan có thể đi qua hệ thống rau thai để từ mẹ
sang con gây bệnh cho thai ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ làm thai suy yếu,
chậm phát triển và có thể chết trong dạ con. Đối với bà mẹ, viêm gan SVT trong
lúc có thai thường diễn biến nặng hơn với người không thai nghén. Đặc biệt nếu
bệnh phát vào 3 tháng cuối hay lúc bắt đầu chuyển dạ thì gan người bệnh rất dễ
bị suy. Trong cơ thể người, gan là một tuyến vừa nộïi tiết vừa ngoại tiết có
nhiều chức năng rất quan trọng ví dụ như chức năng chuyển hóa các chất cơ thể
thu nạp qua đường tiêu hóa để biến chúng thành những chất cơ thể người có thể sử
dụng. Gan cũng có chức năng chống độc cho cơ thể bằng cách trung hòa những chất
độc từ ngoài vào (ngoại sinh) và cả những chất độc sinh ra trong quá trình sống
của cơ thể (nội sinh), biến chúng thành những chất không độc và thải ra ngoài.
Gan cũng có chức năng tạo các chất làm cho máu có khả năng dễ dàng đông lại
được, hạn chế nguy cơ mất máu khi bị thương tích. Khi gan bị suy, các chức năng
của gan bị giảm sút thậm chí mất đi khiến cơ thể người bệnh lâm vào tình trạng
nguy kịch rất khó chữa chạy. Điển hình nhất ở bà mẹ bị viêm gan SVT khi đẻ là
tình trạng băng huyết nặng sau đẻ vì trong máu không còn chất đông máu và tình
trạng hôn mê do gan không còn khả năng chống độc. Đây là hai tai biến dẫn đến tử
vong ở hầu hết những người mắc bệnh viêm gan SVT trong khi đẻ.
Tại viện BVBM TSS Hà Nội hàng năm vẫn có một số sản phụ nhập viện vì có thai,
chuyển dạ đẻ bị mắc viêm gan SVT. Mặc dầu được chăm sóc và điều trị tích cực, tỷ
lệ tử vong vẫn còn rất cao. Những năm trước đây có trường hợp sau đẻ ở người
viêm gan SVT bị băng huyết nặng đã truyền tới 6-7 lít máu, đến khi máu không
chảy nữa thì người bệnh lại chết vì hôn mê gan. Năm 1998 vừa qua viện cũng nhận
vào 17 trường hợp sản phụ chuyển dạ bị viêm gan SVT với 13 trường hợp bệnh đang
ở giai đoạn tiến triển và đã có tới 3 trường hợp bị tử vong, chiếm tỷ lệ 23% so
với số ngườøi viêm gan đang tiến triển chuyển dạ đẻ tại viện.
Như vậy điều quan trọng nhất đối với mọi người, nhất là với phụ nữ là không
để bị mắc viêm gan SVT. Ngày nay ở nước ta đã có vacxin tiêm phòng bệnh. Tốt
nhất là ngay từ khi mới đẻ, cháu bé đã được tiêm phòng với ba mũi tiêm vào lúc
mới sinh, sau 1 tháng và sau 2 tháng (hoặc sau 6 tháng), sau đó 5 năm tiêm nhắc
lại một lần. Người lớn cũng có thể tiêm để phòng bệnh. Ngoài biện pháp tiêm
chủng, căn cứ vào cách lây truyền của bệnh, mọi người, mọi gia đình cần giữ vệ
sinh trong ăn uống, không tiêm chích bằng dụng cụ chưa tiệt trùng hoặc dùng
chung bơm kim tiêm; phải đảm bảo an toàn trong truyền máu và trong quan hệ tình
dục (thủy chung một vợ một chồng, dùng bao cao su).