Chữa thủy đậu bằng thuốc Nam
Lá tre có mặt trong nhiều bài thuốc Nam. |
Lá tre 16 g, lá dâu, kim ngân hoa mỗi thứ 12 g; cam thảo đất, rễ cây lau, bạc hà mỗi thứ 10 g, hoa cúc 8 g, kinh giới 6 g (thiếu một vài vị cũng được). Tất cả sắc với 700 ml nước lấy 300 ml, cứ 4-5 giờ uống một lần (mỗi lần 30-40 ml). Bài thuốc này dành cho người bị thủy đậu dạng nhẹ.
Bệnh thủy đậu được xem là nhẹ nếu bệnh nhân không sốt hoặc sốt nhẹ, ho ít, chảy nước mũi, ăn uống bình thường; mụn thủy đậu chứa nước trong, mọc thưa, sau 2-3 ngày lần lượt khô xẹp xuống; bệnh nhân sinh hoạt bình thường, sức khỏe không bị ảnh hưởng. Những bệnh nhân này có thể không cần uống thuốc, chỉ phải kiêng nước lạnh, kiêng gió, giữ da sạch sẽ, ăn uống đủ chất.
Bệnh được xem là nặng nếu bệnh nhân sốt cao, mụn thủy đậu mọc dày và to, vành chân rõ rệt, chung quanh có vầng đỏ, chất nước đục, tiểu tiện ít và đỏ... Trong trường hợp này, dùng phép chữa thanh nhiệt, giải độc là chủ yếu. Tùy từng thời kỳ, có thể sử dụng các bài thuốc sau:
- Mụn thủy đậu bắt đầu mọc: Lá tre, rau diếp cá mỗi thứ 16 g; kim ngân hoa, cam thảo đất mỗi thứ 12 g; hoa kinh giới, bạc hà, quả dành dành mỗi thứ 8 g. Nếu bệnh nhân bị ho thì cho thêm lá chanh 10 g, lá táo 12 g; nếu ăn không tiêu, cho thêm sơn tra 8 g, thần khúc 10 g. Tất cả sắc với 600 ml nước, lấy 300 ml, cứ 2-3 giờ uống một lần, mỗi lần 30-40 ml.
- Mụn đã mọc được 4-5 ngày: Lá tre 16 g, cam thảo dây, kim ngân hoa, vỏ đậu xanh, sinh địa mỗi thứ 12 g; hoàng đằng, rễ lau, mẫu đơn bì mỗi thứ 8 g. Cách dùng như bài trên.
- Mụn đã xẹp: Cát sâm, vỏ đậu xanh, sinh địa, biển đậu, vỏ đậu đen mỗi thứ 12 g; hoàng tinh, lá dâu, mạch môn, cam thảo dây mỗi thứ 10 g. Sắc hai lần, lần đầu làm như 2 bài thuốc trên; lần sau cho 400 ml nước sắc lấy 200 ml. Hai thứ nước đổ lẫn vào nhau, cô lại còn 400 ml, cứ 2-3 giờ uống một lần, mỗi lần 30-40 ml.
Sức Khỏe & Đời Sống