CHÓ NGOẠM MÈO CẮN
BS. Nguyễn Văn Đức
Mỗi năm, ở Mỹ, khoảng 1-2 triệu người bị chó ngoạm, mèo cắn (con số không chính xác, nhiều trường hợp xảy ra không được báo cáo). Hàng năm, hơn 10.000 người phải vào nhà thương, vì các chú cẩu, cô miu cắn, và không may, 10-20 người từ trần do chó táp. Đa số (70%) nạn nhân là trẻ em dưới 10 tuổị
Chó to cắn khỏe, có thể ngoạm thủng một miếng kim loại mỏng. Chó to khi cắn người, làm thịt nát, xương tan. Ngược lại, mèo thường nhẹ nhàng, không thô lỗ như chó, răng chúng lại nhọn, sắc, nên khi chúng cắn, chỉ gây những vết cắm sâu vào da (puncture wounds). Nhưng 30-40% các vết cắn do mèo có thể làm độc, trong khi chỉ 15-20% các vết chó cắn làm độc.
Bác sĩ làm gì, khi chó, mèo cắn bạn?
Người viết luôn cầu chúc cho bạn những điều an lành. Nhưng nói dại, vào một ngày đẹp trời, lòng xuân phơi phới, bạn dạo chơi, lân la lại gần, đứng xem con chó của ông bạn hàng xóm đang ăn. Mặc bạn tỏ vẻ thân thiện với nó, con chó, gừ lên một tiếng, quay sang ngoạm vào chân bạn một cáị Bạn đi khám bác sĩ, và tự hỏi bác sĩ sẽ làm gì cho bạn?
Sau khi nghe bạn kể bệnh, bác sĩ sẽ thăm khám để xem vết thương do chó cắn của bạn thuộc loại nào: rách, nát, đứt ra (avulsion), hay cắm sâu (puncture wound). Chiều sâu của vết thương cũng được bác sĩ lượng định. Sau đó, các cơ quan khác ở trong hay quanh vết thương như gân, bắp thịt, xương, khớp, thần kinh, mạch máu, bác sĩ cũng khám kỹ để xem có tổn thương hay không. Trường hợp bạn bị cắn ở mặt hay đầu, óc bên trong có thể tổn thương; điều này bác sĩ sẽ nghĩ đến và để ý xem xét. Các tổn thương nghiêm trọng ở tay, nhất là bàn tay, có khi cần đến bác sĩ giải phẫu chuyên về bàn tay (hand surgeon) thăm khám và lượng định.
Thăm khám cho bạn xong, bác sĩ tìm cách giải quyết 4 vấn đề:
- Săn sóc, và may vết thương nếu cần.
- Có thể phải dùng trụ sinh để trị hay ngừa nhiễm trùng.
- Chích ngừa phong đòn gánh (tetanus) cho bạn nếu cần.
- Xem bạn có cần chích ngừa bệnh dại không?
1. Săn sóc, và may vết thương nếu cần:
Vết thương chó (hay mèo) cắn của bạn được khử trùng với thuốc sát trùng Betadine 1%, và nếu cần, được xịt rửa (irrigation) bằng nước muối (saline) hoặc dung dịch Ringer’s lactatẹ
Vết thương nếu hở, có được may lại hay không còn tùy tình trạng và vị trí của vết thương. Để tránh nhiễm trùng, các vết thương đã quá 24 tiếng, trông có vẻ đã làm độc, hay các vết thương cắm sâu (puncture wounds), thường không nên may, mà nên để hở. Đa số các vết thương ở bàn tay cũng không nên may kín, nếu cần, chỉ may sơ, cho hai mép vết thương hơi khép lạị Vết thương ở đầu, cổ, tay, chân, ít khi nhiễm trùng hơn, có thể được may kín ngaỵ
Tất cả những vết thương do thú vật cắn, nhất là vết thương ở bàn tay, vết thương làm nát xương, vết thương lớn rộng hay đã làm độc, cần được nâng cao (đặt cao hơn tim) từ 3 đến 5 ngày, để tránh sưng phù và nhiễm trùng.
2. Dùng trụ sinh hay không dùng trụ sinh?
Nếu vết thương tấy đỏ, có dấu chứng nhiễm trùng, bác sĩ sẽ cấy trùng từ vết thương, sau đó cho bạn dùng trụ sinh. Thường, trong vết thương do chó, mèo cắn có nhiều vi trùng hiện diện, trong đó có vi trùng Pasteurella multocida, một loại vi trùng sinh sống ở cổ họng chó và mèọ Trụ sinh dùng phải trừ được vi trùng nàỵ
Người Việt chúng ta tin Ampicillin là một thần dược, trị bá chứng, bệnh nhiễm trùng hay không nhiễm trùng, nó cũng trị tuốt luốt. Nên bị gì cũng dùng nó, và nhà nhà đều trữ Ampicillin, dù chẳng có bác sĩ nào khuyên vậỵ Thực ra, Ampicillin nay là một trụ sinh rất yếu, nhiều vi trùng lờn mặt, một phần do sự sử dụng bừa bãị Những thuốc trụ sinh có thể dùng trong trường hợp bị thú vật cắn là Augmentin, Penicillin, Doxycycline, và Rocephin, dùng trong 10-14 ngày (rõ ràng trong danh sách này, không có tên “thần dược” Ampicillin). Với các vết thương nhiễm trùng cần chữa với trụ sinh, bác sĩ nên xem lại trong vòng 1-2 ngàỵ
Những trường hợp nhiễm trùng nặng, hay nhiễm trùng tấn công cả xương, khớp, gân, thần kinh, người bệnh cần vào nhà thương để chữa với các thuốc trụ sinh cho qua đường truyền tĩnh mạch: Mefoxin, Unasyn, Timentin, Rocephin.
A, với những vết thương trông nhiễm trùng rõ rệt như vậy, quyết định sử dụng trụ sinh cũng rõ ràng. Còn vết thương trông sạch sẽ, không có vẻ nhiễm trùng thì saỏ Trường hợp này, trụ sinh, nếu dùng, nhắm mục đích ngừa nhiễm trùng. Không phải vết cắn nào gây do thú vật cũng cần đến trụ sinh để ngừa nhiễm trùng. Trụ sinh cần đến để ngừa nhiễm trùng (từ 3 đến 7 ngày) trong những trường hợp sau:
- Mèo cắn: vết thương gây do mèo hay làm độc hơn vết thương do chó cắn.
- Vết thương đâm quá sâu (puncture wound).
- Vết thương dập nát nhiều (crush injury), hoặc sưng phù.
- Vết cắn ở mặt, bàn tay, bàn chân, những chỗ dễ làm độc.
- Trường hợp cả xương, khớp, gân (tendon) cũng tổn thương.
- Vết cắn ở gần một khớp giả (prosthetic joint).
- Người có bệnh kinh niên làm cơ thể suy yếu: tiểu đường, bệnh gan, bệnh phổi, AIDS...
Các thuốc trụ sinh dùng ngừa nhiễm trùng ở một vết thương do chó, mèo cắn cũng giống các thuốc trụ sinh để chữa các vết thương do chó, mèo cắn đã làm độc kể trên (Augmentin, Penicillin, Doxycycline, Rocephin).
3. Chích ngừa phong đòn gánh (tetanus) hay không?
Phong đòn gánh là bệnh nhiễm trùng rất nguy hiểm có thể làm chết ngườị Sau 4 lần chích ngừa trong thời thơ ấu, người lớn chúng ta cứ 10 năm lại cần chích ngừa phong đòn gánh một lần. Để tiện lợi, thuốc ngừa phong đòn gánh được pha chung với thuốc ngừa bệnh bạch hầu thành thuốc chích ngừa Td (tetanus-diphteria). Một mũi chích mỗi 10 năm, sẽ ngừa được cả 2 bệnh phong đòn gánh và bạch hầu cho người lớn chúng tạ
Bệnh phong đòn gánh đã từng xảy ra cho các vết thương do chó hay mèo cắn. Những người chích ngừa chưa đủ 4 lần, không nhớ mình đã chích ngừa mấy lần, hoặc đã chích ngừa trên 10 năm, cần được chích ngừa phong đòn gánh lần nữa khi bị thú vật cắn. Với những vết thương đâm sâu, hoặc nặng, bẩn vì dính đất cát, phân, dù bạn mới chích ngừa phong đòn gánh hơn 5 năm trước, cẩn thận là nhất, bác sĩ vẫn chích ngừa phong đòn gánh lại cho bạn.
4. Có cần chích ngừa dại?
Bệnh dại do thú vật cắn (rabies), là bệnh siêu vi trùng nguy hiểm. Khi đã có triệu chứng bệnh phát ra, người bệnh sẽ chết sau 4-20 ngàỵ Cũng may, bệnh không xảy ra nhiều, do đa số các chó, mèo nuôi trong nhà ở Mỹ đã được chích ngừa dại. Nguồn lây bệnh dại thường là các thú hoang, nhất là chồn (racoon), chồn hôi (skunk) và dơi (bat). Nếu rủi bị những con thú hoang này cắn rồi chạy, bay mất, thường ta phải chích ngừa dại.
Siêu vi trùng dại có trong nước miếng của thú mang bệnh dại, lây qua thú khác khi nước miếng của thú bị dại dính vào da hay niêm mạc trầy xát của thú lành.
Thời gian kể từ lúc nhiễm siêu vi trùng dại cho tới khi bệnh phát ra là 10 ngày đến 1 năm. Nếu một người được nghĩ có thể lây dại do bị thú có bệnh dại cắn, người này cần chích ngừa với thuốc ngừa dại (human diploid rabies vaccine) 5 lần, vào các ngày 0 (ngày đầu tiên), 3, 7, 14, và 28.
Con chó (hay mèo) cắn bạn cần được giữ lại, theo dõi kỹ trong vòng 10 ngàỵ Sau 10 ngày, nếu con vật vẫn bình thường, không có những hành vi điên khùng, ta có thể yên tâm, và khỏi cần chích ngừa dại. Chớ nên vì quá tức giận, bạn rủ chủ con vật cho ngay nó vào nồi, rồi cùng khề khà thưởng thức món rựa mận, chén chú chén anh, dĩ hòa vi quí. Cần, bác sĩ sẽ liên lạc với cơ quan sức khỏe địa phương (local health department), hỏi thăm xem trong vùng có trường hợp bệnh dại do chó cắn nào được báo cáo thời gian gần đây không, hầu bác sĩ và bạn cùng tăng cao sự cảnh giác.
Bạn nên làm gì, khi bị chó, mèo cắn?
Người viết vẫn luôn cầu chúc cho bạn những điều an lành. Nhưng... nếu chẳng may, “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”, lần này bạn lại bị mèo cắn, con mèo nhà bà hàng xóm vẫn đêm đêm sang ăn vụng nhà bạn. Bạn làm gì bây giờ?
- Bạn rửa nhẹ vết thương với nước và xà-bông.
- Nếu vết thương chảy máu, bạn dùng một khăn sạch chặn lên vết thương để cầm máụ Không nên rắc thuốc lá, thuốc bắc, bôi dầu xanh... lên vết thương, những thứ có thể đem thêm vi trùng vào vết thương.
- Nâng cao vết thương, giúp vết thương bớt sưng và tránh nhiễm trùng.
- Bạn thông báo cho chủ mèo (chó), và cơ quan cảnh sát hay cơ quan kiểm soát thú vật (animal control office). Bạn tươi cười (dù lòng muốn khóc) hỏi chủ con vật về tình trạng sức khỏe, và chích ngừa dại của nó, để còn kể cho bác sĩ biết.
Khi đi khám và kể bệnh với bác sĩ, bạn kể bạn bị cắn đã bao lâu, trong trường hợp nào: tự nhiên nó cắn hay trêu ghẹo nó nên nó nổi khùng nó cắn (nếu nó cắn vì bạn trêu chọc nó, thì còn bớt lo, chứ nếu đang khi không, bạn không hề chọc chạch nó, mà nó cắn bạn, ta nên cảnh giác con vật có thể bị dại). Bạn cho bác sĩ biết tình trạng sức khỏe và chích ngừa của con vật cắn bạn ra saọ Riêng phần bạn, bạn đã được chích ngừa phong đòn gánh mấy lần, lần cuối cách đây bao lâụ Bạn cũng cho biết đang dùng những thuốc gì, có phản ứng với thuốc nào không. Sau cùng, bạn cho bác sĩ biết bạn đang có bệnh gì quan trọng, có van tim giả hay khớp giả không (vi trùng từ vết thương có thể vào máu, đến chỗ mang van tim giả hay khớp giả, dừng lại lập nghiệp, gây họa dễ hơn các chỗ khác, nên bác sĩ thường phải cho bạn dùng trụ sinh để ngừa nhiễm trùng nếu bạn có van tim giả hay khớp giả).
Đừng để chó, mèo cắn
Đời đã nhiều phiền não, chó, mèo cắn lại thêm một cái phiền. Làm thế nào để tránh chó, mèo cắn?
- Đừng đến gần thú vật khi chúng đang ăn. Người còn giết nhau vì miếng cơm manh áo, huống chi thú, chúng cũng muốn bảo vệ miếng ăn của chúng.
- Đừng cố khuyên can hai con vật nên bớt nóng, chín bỏ làm mười, khi chúng đang quần thảo, đánh, cắn nhaụ Đang lúc hăng máu, tức bực, chúng rất có thể quên bẵng bạn là ông chủ thân yêu của chúng, quay sang ngoạm luôn cho bạn một phát.
- Chớ để trẻ con chơi với chó, mèo một mình. Trẻ nhỏ hay nghịch tinh, kéo, dẵm đuôi chó, mèo, chúng nổi khùng, cắn cho thì khổ.
- Tránh xa các thú vật chưa hề quen biết bạn, hoặc trông bịnh bịnh.
- Nếu bạn có chó, dắt nó dạo chơi, nhớ cẩn thận dùng dây dắt chó (leash). Kẻo chó bạn chạy rong, buồn tình ngoạm chân ông bạn đi gần đấy, khổ người ta, mà cũng mất vui cho bạn.
- Khi chọn mua chó, mèo nuôi cho vui cửa vui nhà, bạn cẩn thận chọn giống hiền hiền, không biết cắn người, kẻo sau này, chúng cắn người nhà đã phiền, cắn người ngoài còn phiền hơn.
Đầu năm mới, chúng ta chúc nhau mọi sự vạn an, suốt năm không bị họ hàng nhà chú cẩu cô miu làm phiền. Còn mèo hai chân? Trời, càng nên tránh xa, kẻo rầy rà và nhức xương với bà xã.