Bệnh lao là vấn đề khẩn cấp của sức khỏe toàn cầu và ý nghĩa
Ngày Thế giới Chống lao 24/3 hàng năm
BS. Lê Bá Tung
Trung tâm Lao & Bệnh Phổi Phạm Ngọc Thạch (3/2002)
Bệnh lao là vấn đề khẩn cấp của sức khỏe toàn cầu:
- Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm đã thường xuyên tồn tại cùng loài người trên sáu ngàn năm qua. Trên thế giới không một quốc gia nào, một dân tộc nào mà không có người bị nhiễm vi khuẩn lao, bị mắc bệnh lao và chết vì lao. Bác sĩ Robert Kock đã tìm ra vi khuẩn lao tác nhân gây ra bệnh lao từ ngày 24/3/1882 và thuốc lao đầu tiên là Streptomycine cũng được tìm ra từ 1944.
- Bệnh lao ngày nay được chẩn đóan dễ dàng, nhanh chóng và điều trị lành bệnh trên 90% nhờ phối hợp nhiều thuốc lao hữu hiệu, nhưng còn gặp một vấn đề khó khăn duy nhất là việc điều trị lao đòi hỏi người bệnh phải kiên nhận điều trị đúng nguyên tắc trong một thời gian dài từ 6 – 8 tháng.
- Điều đáng tiếc cho loài người là sau 120 năm tìm ra vi khuẫn lao và 58 năm tìm ra thuốc trị lao, hiện nay dịch lao vẫn còn tàn phá nặng nề và là bệnh gây chết người nhiều nhất hằng năm tại các nước đang phát triển.
- Từ năm 1985 trên toàn cầu dịch lao xuất hiện thêm dưới hình thức mới khó chẩn đoán hơn và dễ chết hơn vì bệnh lao kết hợp với HIV/AIDS và khó điều trị hơn vì xuất hiện vi khuẩn lao kháng thuốc và kháng đa thuốc do con người dúng thuốc điều trị lao không đúng nguyên tắc đã tạo ra.
- Dịch lao đã gia tăng và trở nên nặng nề nguy hiểm hơn cho toàn thế giới sau 1985 vì nhiều lý do: dịch HIV/AIDS xuất hiện, sự di chuyển ồ ạt dân cư từ vùng dịch tể lao cao đến vùng dịch tể lao thấp, việc bùng nổ dân số trong những thập kỷ trước cùng với việc lơ là trong đầu tư kinh phí chống lao của nhiều nước cũng như sự hoạt động yếu kém của nhiều chương trình chống lao quốc gia.
- Vì vậy ngày 24/3/1993 Tổng Giám đốc Y tế Thế giới đã báo động khắp hành tinh “bệnh lao là vấn đề khẩn cấp của sức khỏe toàn cầu”. Lời báo động được gởi đến toàn thể các chính phủ, cơ quan y tế, cơ quan truyền thông báo chí, hội đoàn phi chính phủ có hoạt động về y tế cộng đồng và toàn thể nhân loại để lưu tâm nhiều hơn nữa, góp sức người, và tiền bạc nhiều hơn nữa tích cực cộng tác với Y tế Thế giới trong nổ lực ngăn chặn đại dịch lao hiện nay. Bệnh lao được báo động vì hiện nay lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong trong 10 bệnh có số chết đứng hàng đầu tại các nước đang phát triển. Mắc bệnh lao và tử vong vì lao chủ yếu ở thiếu niên và người lớn trong tuổi lao động sản xuất, những người làm ra của cải vật chất nuôi sống gia đình và xã hội. Chính bệnh lao đã làm cho xã hội nghèo khổ không phát triển được, ngòai ra xã hội còn phải tiếp nhận số trẻ mồ côi mà những phần tử trụ cột trong gia đình đã chết vì lao để lại và chính bản thân nững người bị lao cũng chịu các di chứng tàn phế nếu họ được phát hiện bệnh trễ và điều trị không đúng nguyên tắc.
- Theo số liệu của Y tế Thế giới công bố vào cuối năm 1999, thì cuối năm 1998 trên toàn thế giới có 2 tỷ người bị nhiễm vi khuẩn lao (1/3 dân số thế giới), trong đó có hơn 11 triệu người bị nhiễm cả lao và HIV. Bệnh lao mới mắc hàng năm trên toàn cầu là trên 8 triệu, tổng số lao cũ và mới đang lưu hành là trên 16 triệu. Số người chết vì lao hằng năm là 2 triệu trong đó có 300.000 trẻ em và 700.000 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, chết do lao gấp 2 lần số chết do nguyên nhân sản khoa và phụ khoa. Mỗi năm có 640.000 bệnh lao mới mắc có nhiễm HIV. Dịch HIV/AIDS là một nguyên nhân làm cho bệnh lao lan truyền nhanh hơn trong cộng đồng nhất là tại Châu Phi và Châu Á.
- Số người bị nhiễm vi khuẩn lao kháng thuốc và kháng đa thuốc là hơn 50 triệu người trên toàn cầu. Bệnh lao kháng đa thuốc điều trị tốn tiền gấp trăm lần và có tỷ lệ lành bệnh thấp. 98% số bệnh lao chết hàng năm và 85% số bệnh lao mới xuất hiện hàng năm là xảy ra tại các nước đang phát triển. 75% số bệnh lao mới xuất hiện hàng năm tại các nước đang phát triển nằm trong tuổi lao động sản xuất từ 15 – 49 tuổi.
- Tại Việt Nam dịch lao là một vấn đề y tế công cộng quan trọng. Năm 1999, Y tế Thế giới xếp Việt Nam vào thứ 11 trong số 22 nước trên toàn thế giới có tổng số bệnh lao nhiều nhất (80% tổng số la toàn cầu). Năm 2000 cả nước (có 61 tỉnh với 76 triệu dân) đã phát hiện và điều trị 90.756 bệnh lao các thể trong đó có 53.169 lao phổi mới có vi khuẩn lao trong đàm. Tình hình vi khuẩn lao kháng thuốc ban đầu ở Việt Nam cũng rất cao 32,5% kháng từ 1 – 4 thuốc cơ bản S,HR,E trong đó có 2,3% lao đa kháng thuốc lao (điêề tra năm 1997). Dịch HIV/AIDS đã tăng nhanh trong các năm gần đây. Tổng số người Việt Nam nhiễm HIV từ 1990 – 2000 có báo cáo là 28.661 (trong đó có 4.728 ca AIDS và 2510 tử vong). Số bệnh lao có nhiễm thêm HIV cả nước có báo cáo là 1564 ca. Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân lao có nhiễm HIV là rất cao 31,3%. Chương trình chống lao Việt Nam đã triển khai thực hiện chiến lược DOTS điều trị lao với phác đồ hóa ngắn ngày 8 tháng có kiểm soát tại quận huyện phường xã từ 1989 và đạt được kết quả lành bệnh lao các thể khoảng 90%.
- Tổ chức Y tế Thế giới từ 1993 sau khi báo động bệnh lao là vấn đề khẩn cấp của sức khỏe toàn cầu, đã tăng cường nhiều hoạt động tích cực nhằm chặn đứng dịch lao đáng chú ý là các hoạt động giáo dục truyền thông, đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học và giúp đỡ kỹ thuật và thuốc chống lao cho các nước đang phát triển. Điều đặc biệt là năm 1995, YTTG đã đề ra: “Chiến lược hống lao DOTS điều trị lao có kiểm soát với phác đồ hóa ngắn ngày” với niềm hy vọng đó là biện pháp duy nhất chặn đứng được dịch lao trong tình hình hiện nay.
- Năm 1996 Y tế Thế giới đã phối hợp với Hiệp hội Chống lao và bệnh phổi thế giới lần đầu tiên tổ chức thành công Ngày Thế giới Chống lao 24/3 và đã tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống lao nhân Ngày Thế giới chống lao hàng năm cho đến nay.
- Năm 2000 YTTG đã khởi đầu một Chương trình chống lao đặc biệt giúp cho 22 nước có số bệnh lao cao nhất trên toàn cầu (trong đó có Việt Nam).
Ý nghĩa của ngày thế giới chống lao 24/3/2000:
Năm 1982 nhằm k3 niệm 100 năm Bác sĩ Robert Kock tìm ra tác nhân gây bệnh lao (1882 - 1982) Hiệp hội chống lao và bệnh phổi thế giới có trụ sở ở Paris đề nghị lấy ngày 24/3 hàng năm để tổ chức ngày thế giới chống lao nhằm nâng cao hơn nữa ý thức phòng chống lao của loài người trên thế giới.
Nhưng mãi đến năm 1998 sau ngày YTTG báo động bệnh lao là vấn đề khẩn cấp của sức khỏe toàn cầu và tiếp theo những đổi mới về nội dung hoạt động chống lao tại nhiều nước trên thế giới, Tổ chức YTTG mới phối hợp được với Hiệp hội chống lao và Bệnh phổi Thế giới tổ chức thành công lần đầu tiên Ngày thế giới chống lao 28/3/1996 và tiếp tục trong các năm kế tiếp cho đến nay. Kể từ 1998 Liện hiệp quốc lần đầu tiên công nhận chính thức ngày 24/3 hàng năm là Ngày thế giới chống lao. Chủ đề Ngày Thế giới chống lao 24/3 hàng năm đã được YTTG nêu ra như sau:
Mọi người đều có nguy cơ mắc lao: trên thế giới không có nơi nào an toàn tránh được bệnh lao, mọi người cùng nhau tích cực chống lại bệnh lao (1996).
Mở rộng diện điều trị lao với chiến lược DOTS để đạt được tỷ lệ lành bệnh cao giảm nhanh nguồn lây cho cộng đồng (1997).
Nêu rõ những thành tích to lớn của chiến lược DOTS và những tai họa vô cùng nguy hiểm về vấn đề điều trị lao không DOTS (1998).
Tìm kiếm thêm các bạn đồng minh chống lao để cùng phối hợp hoạt động ngăn chặn dịch lao trên toàn cầu (2000).
Mọi bệnh nhân lao đều có quyền được điều trị lao theo chiến lược DOTS (2001).
Ngăn chặn bệnh lao là ngăn chặn đói nghèo (2002).
Ngày chống lao 24/3 hàng năm là dịp để nhắc nhở mọi người nhớ rằng đại dịch lao đang hoành hành và chưa kiểm soát được trên toàn cầu. Mỗi người có bổn phận cùng với chính quyền và ngành y tế tích cực tham gia vào các hoạt động phát hiện và điều trị lao để chặn đứng dịch lao.
Kỷ niệm ngày thế giới chống lao năm nay là thời điểm để chương trình chống lao Việt Nam vậnn hành được sự hỗ trợ tối đa trong nước của chính quyền, các đoàn thể của cộng đồng đặc biệt giới truyền thông, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, chữ thập đỏ, các trường học, trường đào tạo cán bộ y tế, toàn thể cán bộ ngành y tế trong lãnh vực công và tư, y và dược nhằm thúc đẩy tích cực nhất các hoạt động phát hiện bệnh lao sớm và điều trị lao theo chiến lược DOTS để đạt kết quả lành bệnh cao và ngăn ngừa bệnh lao kháng đa thuốc.
Viện Nam nói chung và TP. HCM nói riêng đã long trọng và tích cực hưởng ứng tham gia tổ chức Ngày Thế giới 24/3 từ 1996 cho đến nay.
Điều mà CTCL Việt Nam cần hôm nay là sự đồng tình hỗ trợ của mọi người, mọi gia đình và mọi đoàn thể trong nước và quốc tế cùng với chính quyền trong việc thực hiện chiến lược chống lao DOTS điều trị lao có kiểm soát với phác đồ hóa ngắn ngày cho 100% bệnh nhân lao trong cả nước đó là biện pháp duy nhất có được để ngăn chặn dịch lao trong tình hình hiện nay.