Nên hạn chế phạm vi bảo hộ độc quyền thuốc trị AIDS
Chỉ 5% bệnh nhân AIDS trên thế giới tiếp cận được với thuốc ARV. |
Trong lĩnh vực dược, Việt Nam bảo hộ độc quyền không chỉ về hoạt chất, quy trình sản xuất mà còn bảo hộ các tiểu nhóm chất, thành phần phối hợp của thuốc, dạng liều lượng... Sự bảo hộ quá rộng rãi này đang cản trở việc tiếp cận thuốc kháng virus HIV của bệnh nhân HIV/AIDS.
Tại hội thảo về thuốc trị AIDS ngày 29/6, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Ford cho rằng, các chủ bằng sáng chế đã sử dụng kết hợp các loại yêu cầu bảo hộ nói trên để loại những người khác ra khỏi thị trường. Chẳng hạn, một công ty tìm ra quy trình sản xuất mới, một dạng thức hoặc công dụng mới của một thứ thuốc đã biết từ trước cũng có thể xin cấp bằng độc quyền. Vì vậy, theo các chuyên gia, nên hạn chế phạm vi bảo hộ độc quyền, chỉ cấp bằng sáng chế cho các dược chất và quy trình sản xuất dược phẩm mới, chứ không cấp cho các công dụng hay thành phần phối hợp mới của thuốc.
Theo báo cáo tại hội thảo trên, hiện thế giới có 6 triệu người cần thuốc kháng virus HIV nhưng chỉ khoảng 300.000 người tiếp cận được thuốc này. Tại Việt Nam, theo các chuyên gia, số người bị HIV/AIDS thực tế là khoảng 200.000. Như vậy, sẽ có khoảng 30.000 người cần thuốc ARV (15%). Thế nhưng Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ tiền thuốc cho 90 người.
Còn nếu để cung cấp cho 30.000 người, mức kinh phí mà Việt Nam phải bỏ ra là 150 triệu USD mỗi năm. Khi đã bắt đầu điều trị bằng ARV thì phải dùng liên tục vì sự gián đoạn sẽ gây nhờn thuốc. Vì vậy, nếu nhân con số 150 triệu USD kể trên với số năm sống sau đó của bệnh nhân, sẽ được một con số khủng khiếp.
Theo các thống kê từ những nước có thu nhập thấp, việc điều trị thuốc ARV miễn phí cho bệnh nhân AIDS sẽ đem lại lợi ích kinh tế to lớn do bệnh nhân sống lâu hơn, đóng góp cho xã hội nhiều hơn. Ở Brazil, chính sách này giúp tiết kiệm 1,1 tỷ USD trong 5 năm (1996-2001), giảm 40-75% số tử vong, 85% số nhập viện. Vì vậy, Bộ Y tế Việt Nam xác định, cần tìm mọi cách để tăng khả năng tiếp cận thuốc ARV của người dân; nhưng điều này bị cản trở bởi chế độ bảo hộ độc quyền sáng chế và một số điểm lạc hậu trong hệ thống văn bản pháp luật, khiến thuốc vừa đắt vừa hiếm.
Trong 22 loại thuốc ARV được WHO khuyến cáo sử dụng, tất cả đều đã có hoặc đang xin cấp bằng độc quyền sáng chế ở Việt Nam nên rất khó dùng thuốc rẻ nếu không vi phạm quyền bảo hộ. Thuốc ngoại đã đăng ký lưu hành chỉ có 9 loại, còn thuốc nội có 2 loại. Do đó, phác đồ điều trị HIV/AIDS phổ biến ở Việt Nam chỉ có 1-2 thuốc; trong khi hướng dẫn của WHO là 3-5 thuốc. Việc điều trị theo phác đồ này rất dễ gây nhờn thuốc (phải điều trị tốn kém hơn rất nhiều) và không có hiệu quả trong giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong về lâu dài.
Ông Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết, hiện thuốc nội tiêu thụ rất thấp vì bệnh nhân không có tiền mua, ngân sách nhà nước cũng không. Vì vậy, các công ty dược chỉ sản xuất ARV để chứng minh là họ có thể làm việc này, và giá cả không thể thấp được (giá ARV sản xuất ở Việt Nam hiện cao hơn 5-7 lần so với giá rẻ nhất trên thế giới).
Để có đủ thuốc ARV cho bệnh nhân với giá phải chăng, theo các chuyên gia của WHO và quỹ Ford, cần thay đổi một số điểm trong luật pháp. Ngoài việc hạn chế bớt phạm vi bảo hộ độc quyền, nên bỏ quy định hạn chế lượng thuốc ARV nhập khẩu để sử dụng cho cá nhân. Theo quy định nhập khẩu phi mậu dịch dược phẩm vào Việt Nam, mỗi cá nhân chỉ được mua tối đa 30 USD tiền thuốc mỗi lần, mỗi năm tối đa 3 lần; trong khi chi phí mua thuốc ARV lên đến hàng nghìn USD mỗi năm.
Để tăng số thuốc ARV vào Việt Nam, theo các chuyên gia, Bộ Y tế nên tạo điều kiện để cấp số đăng ký cho tất cả các thuốc ARV đã được WHO khuyến cáo sử dụng, chẳng hạn như "nới" bớt thủ tục đăng ký, hoặc miễn đăng ký. Các nhà sản xuất ARV trong nước cần xin WHO tiền duyệt chất lượng vì đây là điều kiện để các tổ chức tài trợ cấp kinh phí mua thuốc.
Phạm vi bảo hộ dược phẩm ở Việt Nam hiện nay không bao hàm một số thuốc kết hợp liều cố định và thuốc thành phần một dược chất. Do đó, có thể đưa ra thị trường những thuốc này mà không vi phạm độc quyền sáng chế. Ngoài ra, Việt Nam cần mở rộng việc nhập khẩu song song, thương lượng với chủ bằng độc quyền sáng chế về giá, nhập khẩu thuốc giá rẻ vì mục đích phi thương mại.
Theo ông Truyền, về lâu dài, Việt Nam cần tập trung sản xuất các thuốc đã hết hạn bảo hộ độc quyền. Để chớp đúng thời cơ, Bộ Y tế nên áp dụng chế độ đăng ký đón đầu, nghĩa là cho phép tiến hành các thủ tục đăng ký trước 2-3 năm, khi thuốc đó hết hạn bảo hộ là cấp phép ngay.
Thanh Nhàn