PHÒNG LÂY NHIỄM HIV TỪ MẸ SANG CON
BS. NGUYỄN BAN MAI
Loài người bước vào thế kỷ 21 với những bước nhảy vọt về khoa học kỹ
thuật, song phải đối đầu với 1 sinh vật vô cùng nhỏ bé, có thể hủy diệt tất cả
không để lại dấu vết, nếu không tìm được cách ngăn chặn, khống chế, tiêu diệt
nó, đó là virus HIV.
Mỗi ngày trên thế giới có trung bình 6.000 - 8.000 người bị nhiễm HIV. Theo
các chuyên gia y tế thế giới - thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ HIV/AIDS của châu Á - và
theo dự báo đến năm 2000 - 90% các trường hợp nhiễm HIV/AIDS sẽ xảy ra ở các
nước đang phát triển. Việt Nam cũng là 1 điểm nóng có thể bùng nổ đại dịch AIDS
vào những năm tới, nếu toàn dân không cùng Chính phủ phòng chống hiệu quả. Ở
Việt Nam, trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tháng 12/1990 - đến nay
số ca phát hiện lên gần 10.000 ca - trong thực tế số nhiễm còn cao hơn nhiều. Từ
giới tiêm chích ma túy - HIV len lỏi vào cộng đồng qua gái mại dâm, âm thầm phá
hủy cả nền tảng đạo đức gia đình truyền thống cùng với sự tàn phá sức khỏe, nòi
giống (không thể nào tính được mức độ của hiểm họa này). Hiện nay, lây HIV qua
đường tình dục khác giới là con đường chủ yếu, nên phụ nữ và trẻ em sẽ là đối
tượng chịu hậu quả lớn nhất của đại dịch AIDS. Tỷ lệ AIDS ở trẻ em chiếm 30% -
số trẻ mồ côi dưới 10 tuổi do bố mẹ chết vì AIDS ngày càng tăng, khiến cho xã
hội phải đứng trước những thử thách nặng nề.
Để phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con - ngành sản phụ khoa của cả
nước phải liên kết với các ngành, các tổ chức nắm vòng tay lớn cùng nhau đương
đầu với hiểm họa một cách hữu hiệu. Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh sản phụ khoa
phải cung cấp đầy đủ thông tin về sự lây nhiễm HIV/AIDS, tham vấn thử máu khi có
cơ hội đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế khám chữa bệnh. Đặc biệt những phụ nữ
mang thai: đi khám thai định kỳ, ngay đi được chẩn đoán có thai, nên tự nguyện
thử máu để phát hiện sớm trường hợp nhiễm HIV. Nếu được phát hiện có nhiễm HIV
người phụ nữ mang thai này sẽ được tham vấn tích cực nên bỏ thai hay để sinh.
Trong trường hợp để sinh, người phụ nữ mang thai sẽ được chuyển đến các bệnh
viện phụ sản lớn (có đủ điều kiện thuốc men các phương tiện dụng cụ y tế theo
dõi định kỳ để phòng lây nhiễm cho con). Thuốc được dùng điều trị cho mẹ phòng
lây nhiễm cho con là AZT với hàm lượng 600mg/ngày điều trị khi tuổi thai 36 tuần
(theo tài liệu mới nhất của Viện bảo vệ Bà mẹ & Trẻ sơ sinh) chỉ ngưng thuốc cho
mẹ khi kẹp, cắt rốn em bé lúc sinh. Ngay sau khi sinh, em bé sẽ được uống thuốc
và theo dõi liên tục 6 tuần, thử máu mỗi 3 tháng cho đến khi bé được 2 tuổi. Bé
vẫn được tham gia lịch chủng ngừa đầy đủ (trừ lao). Bé không được bú mẹ - trừ
trường hợp mẹ quá nghèo (khi đó sẽ vắt sữa cho con uống bằng muỗng cho đến 4
tháng tuổi thì cho ăn dặm). Chỉ sau 2 tuổi bé mới được xác định là có bị lây
nhiễm HIV từ mẹ hay không. Nếu mẹ đi khám thai và tuân thủ theo tất cả các bước
trên, tỷ lệ lây nhiễm của bé sẽ rất thấp.
Trong thời gian có thai, người mẹ phải cố gắng ăn uống, giữ gìn sức khỏe,
tránh tiếp xúc với những người bị bệnh khác. Nếu được uống AZT, mẹ có thể nhức
đầu, ói mửa, tiêu chảy... có thể những triệu chứng này sẽ giảm hoặc mất sau 1
tuần điều trị, trường hợp không giảm hoặc biểu hiện nặng hơn sẽ phải ngừng
thuốc.
Sau khi sinh, tuy không cho con bú nhưng mẹ vẫn được chăm sóc con, phần tiếp
theo sau sinh mẹ sẽ được các bác sĩ hướng dẫn cụ thể và chi tiết tại nơi sinh em
bé.
Đề phòng lây nhiễm HIV cho con là trách nhiệm và nghĩa vụ của tất cả các bà
mẹ mang thai. Không có 1 người mẹ nào trên trái đất này lại không yêu con và
không dành cho con nguyên vẹn trái tim người mẹ, tình mẫu tử thiêng liêng nhất.