Đi chân đất coi chừng nhiễm giun lươn
Giun lươn. |
Ấu trùng giun lươn xâm nhập cơ thể bằng cách chui qua da, sau đó theo đường tĩnh mạch về tim, qua phổi, lên khí quản. Sau đó, nó tới hầu rồi chuyển sang thực quản, xuống ruột để trở thành giun trưởng thành (chu kỳ trong cơ thể tương tự như giun móc).
Giun lươn có tên khoa học là Strongloides stercoralis, là loại ký sinh trùng có chu kỳ phức tạp: giun đực, giun cái trưởng thành sống ở ruột, ấu trùng phát triển ở ngoại cảnh. Đôi khi giun trưởng thành cũng sống được ở ngoại cảnh. Nếu cường độ nhiễm đáng kể, giun lươn có thể gây những rối loạn tiêu hóa.
Giun cái trưởng thành dài khoảng 2 mm, giun đực dài 0,7 mm. Giun trưởng thành ký sinh ở niêm mạc ruột, sau khi giao hợp sẽ đẻ trứng. Trứng nhanh chóng phát triển thành ấu trùng dạng tự do và bị đào thải ra ngoài.
Ở môi trường bên ngoài, một số ấu trùng tiếp tục phát triển thành giun trưởng thành, ăn vi khuẩn, các chất hữu cơ trong đất, giao hợp, đẻ trứng tạo thế hệ mới. Một số ấu trùng khác xâm nhập cơ thể người và gây bệnh.
Giun lươn ưa thích khí hậu nhiệt đới, bán nhiệt đới. Những vùng có nhiều giun móc cũng thường nhiều giun lươn. Ở Việt Nam, những vùng hay có bệnh này đất cát ven sông, ven biển, những nơi có mỏ. Các vùng trồng hoa màu, điều kiện vệ sinh và xử lý phân không tốt thường có số người mắc bệnh nhiều hơn.
Bệnh giun lươn thường khó xác định vì nó hay phối hợp với các ký sinh trùng đường ruột khác, gây nên những triệu chứng lâm sàng có tính chất pha trộn. Nhiều trường hợp nhiễm giun lươn mà không có triệu chứng lâm sàng. Khi ấu trùng xuyên qua da, bệnh nhân có thể thấy biểu hiện viêm ngứa kiểu dị ứng. Nếu cường độ nhiễm cao mới xuất hiện rõ những triệu chứng về tiêu hóa: tiêu chảy 5-7 lần/ngày, phân lỏng toàn nước. Bệnh nhân thường bị thiếu máu nhẹ, suy nhược thần kinh. Một số trường hợp giun lươn lạc chỗ có thể gây các triệu chứng viêm phổi bất thường.
Nếu bị tiêu chảy kéo dài không rõ nguyên nhân, lại có các yếu tố thuận lợi cho việc nhiễm giun lươn, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để được xét nghiệm, đặc biệt là xét nghiệm phân tìm ấu trùng. Bệnh giun lươn có đáp ứng tốt với các thuốc điều trị giun hiện nay như albendazol, mebendazol. Liều lượng và cách dùng cần được sự hướng dẫn và tư vấn của thầy thuốc.
Cách phòng bệnh là đi dép, ủng để hạn chế khả năng ấu trùng xuyên qua da.
ThS Như Thị Anh, Sức Khoẻ & Đời Sống