Một trường hợp con truyền HIV cho mẹ qua vết cắn
Máu đã qua sàng lọc ADN vẫn có thể nhiễm HIV. |
Một người đàn ông Brazil 31 tuổi đã vô tình truyền virus chết người cho bà mẹ 59 tuổi của mình qua vết cắn khi anh ta lên cơn co giật. Sau khi cắn, miệng anh ta có máu và bà mẹ phải đi khâu vết thương. Khoảng 1 tháng rưỡi sau, bà góa phụ này cho thử nghiệm dương tính với HIV.
Vì bà không dùng ma túy và không quan hệ tình dục trong suốt 10 năm qua, các bác sĩ đã tiến hành xác định ADN để xem HIV của bà và con trai có trùng nhau không. Kết quả thu được là có. Thông báo này được các bác sĩ tại Đại học Tổng hợp Liên bang Sao Paulo (Brazil) đưa ra ngày 27/2, tại Hội nghị thường niên lần thứ 9 về Retrovirus, tổ chức tại Boston (Mỹ).
Tại Mỹ, người ta mới ghi nhận được 2 ca tương tự và chỉ trong 1 trường hợp, mẫu ADN của người cắn và người bị cắn trùng hợp.
Năm 1987, một người nghiện nhiễm HIV đã đánh lộn với người chị gái khỏe mạnh của mình và cắn chị. Miệng anh ta có máu, vì vậy, khi người chị trở thành HIV dương tính, các bác sĩ kết luận là bệnh truyền qua vết cắn. Người phụ nữ này không có các yếu tố nguy cơ khác.
Ca thứ hai xảy ra vào năm 1995, cũng tại Florida và cũng do máu chứ không do nước bọt, khi một ông già bị một cô gái mại dâm nhiễm HIV cắn, cô này bị chảy máu ở lợi. Lần này, thử nghiệm ADN cho kết quả trùng hợp, khẳng định đường truyền của virus.
Theo đánh giá của bác sĩ Harold Jaffe, phụ trách về HIV và bệnh lây truyền qua đường tình dục tại Cơ quan Kiểm soát và Phòng bệnh (CDC) của Mỹ, chuyện HIV truyền qua vết cắn rất ít xảy ra. Ở những ca được ghi nhận, trong miệng người cắn bao giờ cũng có máu. Tới nay, chưa phát hiện được ca truyền HIV qua nước bọt nào.
Nhiễm HIV từ máu hiến
Cũng tại cuộc hội thảo, các nhà nghiên cứu Mỹ báo cáo trường hợp một người đàn ông trung niên nhiễm HIV trong thời gian truyền máu, mặc dù máu này đã được sàng lọc bằng kỹ thuật ADN hiện đại. Người đàn ông nhiễm HIV vào tháng 8/2000, trong một lần truyền máu khi mổ bắc cầu tim cấp cứu. Điều này chỉ được phát hiện vào tháng 10, khi người hiến máu cho thử nghiệm dương tính với HIV trong lần hiến tiếp theo.
Đây là trường hợp đầu tiên được ghi nhận ở Mỹ kể từ năm 1999, khi các ngân hàng máu bắt đầu áp dụng kỹ thuật sàng lọc dựa trên ADN. Bác sĩ Jaffe giải thích: "Kể cả với thử nghiệm ADN, người nhiễm HIV vẫn có giai đoạn cửa sổ kéo dài 7-10 ngày (kể từ khi bắt đầu nhiễm đến khi cho kết quả dương tính). Điều này cho thấy, người hiến máu đã nhiễm HIV ngay tại thời điểm cho máu hồi tháng 8 và lúc đó, thử nghiệm ADN đã không thể phát hiện được HIV.
Theo bác sĩ Jaffe, ca hiếm hoi nói trên cũng không phải quá bất ngờ, vì kể cả với những kỹ thuật phát hiện HIV chuẩn xác hơn, nguy cơ nhiễm virus qua truyền máu vẫn là 1 trên vài triệu. Về mặt kỹ thuật, không có cách gì để cải thiện kết quả xét nghiệm và đóng giai đoạn cửa sổ này. Điều duy nhất có thể làm là sàng lọc người hiến tốt hơn, nghĩa là hỏi họ kỹ hơn về các yếu tố nguy cơ để loại trừ những người có khả năng nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Jaffe, nguồn máu hiến vẫn là an toàn. Ông cho biết nếu cần phải truyền máu, ông sẽ không từ chối. Ông cũng khuyên: "Nếu bạn thực hiện một ca phẫu thuật không bắt buộc, như thay khớp háng, trong 6 tháng tới, thì nên lưu trữ máu của chính mình. Đó là điều an toàn nhất bạn có thể làm".
Thu Thủy (theo MSNBC)