Bệnh giun đũa chó lạc chủ
Vật nuôi có thể truyền bệnh cho người. |
Cháu B. (9 tuổi) vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM do ho nhiều, sốt, sưng đau mạn sườn trái. Các bác sĩ phát hiện cháu bị tràn dịch màng phổi trái, có khối u mềm vùng cổ (không đỏ, đau nhẹ khi ấn vào) nên nghi ngờ có ấu trùng giun đũa chó di chuyển trong nội tạng. Kết quả xét nghiệm đã khẳng định điều này.
Tiến sĩ Trần Thị Hồng (Chủ nhiệm bộ môn Ký sinh trùng thuộc Trung tâm Đào tạo Cán bộ y tế TP HCM) cho biết, giun đũa chó trưởng thành sống trong ruột non của chó. Trứng giun theo phân ra đất, phát triển thành ấu trùng. Sau khi xâm nhập cơ thể người (chủ yếu qua đường tiêu hóa), nó sẽ chui qua thành ruột non, theo đường máu đi đến các cơ quan nội tạng khác như gan, tim, phổi, mắt. Ấu trùng cũng có thể xâm nhập qua da (nhất là da non), gây hội chứng "ấu trùng di chuyển ngoài da".
Kết quả điều tra tại xã An Phú (huyện Củ Chi, TP HCM), nơi có nhiều hộ dân nuôi chó mèo thả rông, cho thấy có đến 38% người dân bị nhiễm giun đũa chó (toxocara canis).
Tùy theo triệu chứng lâm sàng, bệnh được chia làm 3 thể:
- Thể không có triệu chứng.
- Thể phổ biến: Bệnh nhân bị bầm da, có những vết ban ở da, xanh xao, gầy yếu.
- Thể nặng: Bệnh nhân có các triệu chứng ở phổi (tràn dịch màng phổi, viêm phổi kẽ...) hoặc triệu chứng thần kinh trung ương (nhức đầu, động kinh, liệt nửa người, viêm màng não, viêm cơ tim).
Một nghiên cứu của bệnh viện Nhi Đồng 2 cho thấy, đa số bệnh nhân nhập viện có biểu hiện về thần kinh. Triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất trong giai đoạn khởi phát và toàn phát là nhức đầu và động kinh, tiếp đến là bầm da, yếu liệt, rối loạn tiêu hóa, mờ mắt... Ở những trường hợp ấu trùng di chuyển trong mắt, biểu hiện lâm sàng của bệnh dễ bị nhầm với một dạng ung thư võng mạc.
Để phòng bệnh giun đũa chó lạc chủ, không nên cho trẻ em chơi đùa hoặc ngủ với chó. Nếu không thể ngăn được trẻ, cần tẩy giun định kỳ cho loại vật nuôi này. Rửa tay sạch trước khi ăn. Chú ý không dùng rau sống chưa rửa kỹ.
Tuổi Trẻ