Giun chỉ có thể gây nhiều bệnh nguy hiểm
Muỗi anopheles, một trong những vật trung gian truyền bệnh giun chỉ. |
Giun chỉ có thể sống đến 20 năm trong cơ thể người. Nó gây nên các bệnh lở loét, chân voi, mù lòa..., vừa gây hại cho sức khỏe vừa ảnh hưởng đến thẩm mỹ bệnh nhân.
Trong một điều tra, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng đã xét nghiệm ngẫu nhiên hơn 90 nghìn người ở 15 tỉnh và phát hiện được hơn 5.400 người mang ấu trùng giun chỉ (6%). Trong các loại giun chỉ, những loại nguy hiểm nhất là W.Bancrofti, B.Malayi, O.Volvulus, L.Loa, D.Medinensis.
Các hình thức lây truyền
W.Bancrofti và B.Malayi trông giống như một sợi chỉ khâu màu trắng, dài 4-10 cm, có thể ký sinh 10 năm trong hệ bạch huyết. Chúng lây truyền qua quá trình hút máu của muỗi (như muỗi Culex fatigans và Anopheles Hyrcanus).
Loài O.Volvulus, L.Loa và D.Medinensis ký sinh trong hệ mạch bạch huyết và trong mô dưới da.
- O.Volvulus nhiễm qua trung gian là ruồi Simulium (chuyên hút máu). Ấu trùng tập trung ở những vùng da mỏng và có tiếp xúc với ánh sáng, hoặc di chuyển vào mắt, gây mù lòa cho khoảng 20% số người nhiễm.
- L.Loa di động rất nhanh, có thể sống tới 20 năm và cũng đặc biệt “thích” tới mắt. Chúng được truyền qua loài mòng hút máu có tên Chrysops.
- D.Medinensis không lây truyền qua muỗi, ruồi, mòng đốt như các loài đã nêu. 80% con cái trưởng thành di chuyển xuống mô dưới da chân của người bệnh; sau 1 năm thì gây lở loét ở mắt cá chân hoặc nơi da dễ tiếp xúc với bên ngoài. Ấu trùng thoát ra khi người bệnh lội xuống nước và được một loài giáp xác nhỏ có tên là Cyclops nuốt. Người hoặc động vật có vú sẽ bị nhiễm D.Medinensis nếu uống phải nước có Cyclops.
Dấu hiệu nhận biết
- Nhiễm W.Bancrofti và B.Malayi: Khoảng 15 tháng sau khi nhiễm, bệnh nhân sẽ cảm thấy người khó chịu, mất ngủ, hay thức giấc vì những cơn đau ở háng, nách, bộ phận sinh dục. Hạch nổi ở một số nơi trên cơ thể rồi dần dần nổi khắp nơi. Hạch nhỏ và cứng, xuất hiện cùng lúc với những cơn hen. Ở giai đoạn toàn phát, các mạch bạch huyết bị tắc nghẽn sẽ phình to lên ở các vùng bụng, chi và nách.
- Nhiễm O.Volvulus: Trên bề mặt da người bệnh, nhất là vùng thường tiếp xúc trực tiếp với xương (như đầu, ngực, cùi chỏ, đầu gối) xuất hiện những cục u lồi không đau, di động được, hơi cứng, kích thước 3-5 cm. Đó là do giun trưởng thành quấn vào nhau thành từng nùi, cục, tạo ra. Bệnh nhân còn có biểu hiện ngứa ở da, nhất là vùng mông, hông. Ấu trùng vào mắt gây ngứa mắt, chảy nước mắt.
- Nhiễm L.Loa: Bệnh nhân thấy ngứa ngáy khó chịu, phù nề ở vài mảng da trên mu bàn tay, ngón tay, mặt. Những mảng phù nề thường rộng chừng vài cm, không đau, hay di động, chóng mất đi.
- Nhiễm D.Medinensis: Xuất hiện ổ loét 1-2 mm kèm với triệu chứng nổi mề đay, hen. Từ ổ loét đi ngược lên, có thể sờ thấy một đường cứng cong queo.
Người Lao Động