Bệnh than và những điều ít được nhắc tới
Bào tử bệnh than có kích thước vài micromet, không nhìn thấy được bằng mắt thường. |
Thủ phạm gây bệnh than là một loại vi khuẩn có khả năng tạo bào tử mà con người đã biết tới từ lâu. Bệnh này được coi là một trong những nguy cơ nghề nghiệp lớn nhất đối với người làm công việc phân loại len ngày xưa. Tuy nhiên, trong thế kỷ 20, người ta chỉ ghi nhận được rất ít ca nhiễm bệnh tự nhiên ở người.
Tại một số nơi trên thế giới, bệnh thường xuất hiện ở gia súc như cừu, bò, ngựa. Ở Tây Âu và Mỹ, bệnh rất hiếm gặp. Tuy nhiên, bệnh lại hay thấy ở động vật tại Nam và Trung Mỹ, Nam và Đông Âu, châu Á và châu Phi. Bệnh ít gặp ở người.
Vi khuẩn than thường được tìm thấy trong đất, nước và ở các loài móng guốc. Nó có thể tồn tại, lan truyền trong không khí. Vi khuẩn hoặc bào tử bệnh than thâm nhập cơ thể người qua 3 con đường:
- Da: Chiếm 95% trường hợp, thông qua tiếp xúc trực tiếp với con vật bị bệnh hay đất chứa vi khuẩn hoặc bào tử của nó.
- Hệ tiêu hóa: Nuốt phải vi khuẩn có trong thịt của con vật nhiễm bệnh.
- Hệ hô hấp: Hít phải bào tử qua mũi.
Đối tượng có nguy cơ cao nhất là những người tiếp xúc trực tiếp với các con vật đã chết như nhân viên lò mổ và thợ thuộc da. Bệnh không truyền từ người sang người.
Triệu chứng lâm sàng
Tùy theo đường vào của vi khuẩn, bệnh được chia làm 3 thể:
- Bệnh than ngoài da: Gây tổn thương da dạng mụn rồi vết loét, hầu như không đau. Đây là dạng nhẹ nhất, nhưng nếu không được điều trị, bệnh có thể lan rộng và gây nhiễm trùng huyết, dẫn tới tử vong trong 1/20 trường hợp.
- Bệnh than đường ruột: Có các biểu hiện ngộ độc thức ăn nặng nề. Bệnh nhân có thể sốt và bị nhiễm trùng huyết. Bệnh thường dẫn tới tử vong.
- Bệnh than dạng phổi: Rất hiếm gặp và có tỷ lệ tử vong cao. Thông thường, người bệnh bắt đầu có triệu chứng sau khi nhiễm vi khuẩn 1-6 ngày. Trong những trường hợp điển hình, bệnh nhân có thể phục hồi tạm thời, sau đó lại bị nặng lên. Đôi khi, triệu chứng này có thể kéo dài hàng tuần nếu bào tử không nở ngay. Bệnh than thể phổi thường trải qua 2 giai đoạn:
* Giai đoạn 1 kéo dài vài giờ đến vài ngày, bao gồm các triệu chứng cảm cúm như sốt, ho, mệt mỏi và đau ngực.
* Giai đoạn 2: Tổn thương phổi khiến bệnh nhân khó thở. Sau đó người bệnh rơi vào tình trạng sốc, có thể có nhiễm trùng não. Bệnh thường kết thúc bằng tử vong trong vòng vài ngày. Nếu phát hiện sớm, bệnh có thể được chữa khỏi bằng kháng sinh. Nếu không điều trị, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 80-90%.
Quan niệm cho rằng bào tử than luôn gây viêm phổi là không đúng. Hiện tượng này không điển hình. Trong phần lớn trường hợp, sau khi được hít vào, bào tử sẽ tới những phần nhỏ nhất của phổi là phế nang. Từ đó, nó giải phóng độc tố, tác động lên hệ lympho, và sau đó đi vào máu. Trong hơn 1/2 trường hợp, bệnh sẽ lan tới não. Bệnh nhân thường tử vong do suy hô hấp hoặc nhiễm trùng huyết.
Những nghiên cứu trước đó cho thấy một lượng 2.500-55.000 bào tử đủ để giết chết một nửa số người hít phải chúng. Chỉ có 18 ca bệnh than dạng phổi được ghi nhận từ năm 1900 đến 1976. Trong suốt 25 năm sau đó, người ta đã không phát hiện được thêm một ca bệnh nào. Tuy nhiên, kể từ ngày 2/10, Mỹ đã liên tục phát hiện 3 người nhiễm vi khuẩn than ở đường hô hấp, một người trong đó đã tử vong ngày 5/10.
Điều trị
Bệnh có thể chữa khỏi bằng kháng sinh, nhất là thể ngoài da. Tuy nhiên, thuốc sẽ chỉ có hiệu quả nếu được sử dụng ngay sau khi nhiễm bệnh qua đường tiêu hóa hoặc hô hấp. Nếu không, nguy cơ thành công sẽ giảm rất nhiều.
Kháng sinh được lựa chọn là ciprofloxacin (Cipro). Nó tỏ ra hiệu quả với nhiều chủng vi khuẩn than. Với bệnh nhân dạng phổi, phải dùng thuốc ở liều rất cao. Nếu thành công, việc điều trị phải được tiếp tục trong 60 ngày để đảm bảo là các bào tử đã nở và bị tiêu diệt hết.
Chế độ điều trị tương tự cũng được áp dụng với những người đã tiếp xúc với vi khuẩn than nhưng chưa nhiễm bệnh.
Phòng bệnh
Tiêm phòng là cách dễ chấp nhận nhất để đối phó với bệnh than. Vacxin phòng bệnh tỏ ra hiệu quả trong 93% trường hợp. Thử nghiệm trên khỉ cho thấy, sau khi tiêm chủng 8 và 38 tuần, hiệu quả phòng bệnh là 100%. Sau 100 tuần, tỷ lệ này còn 88%.
Lịch tiêm chủng: Tiêm vào tuần 0, 2 và 4, rồi vào tháng 6, 12 và 18. Sau đó phải tiêm nhắc lại mỗi năm một lần.
Tại Mỹ chỉ có một hãng duy nhất sản xuất vacxin này. Hiện tại, vacxin chỉ được dùng cho quân nhân.
Thu Thủy (theo BBC, CNN, MSNBC)