Vì sao virus cúm A H5N1 khó trị?
Tác giả : TS. DS. NGUYỄN HỮU ÐỨC (Ðại học Y Dược TPHCM)
"Khó trị" đối với virus cúm A H5N1 được hiểu là hầu hết kháng sinh đều không có tác dụng; Chỉ một số ít thuốc kháng virus có thể diệt chúng nhưng luôn có nguy cơ bị đề kháng. Ðặc biệt, nếu tính ở thời điểm hiện tại thì may ra phải 6 tháng hoặc lâu hơn nữa người ta mới tìm được vaccin phòng ngừa. Vì sao vấn đề lại khó khăn như vậy?
Vì sao kháng sinh không trị được virus?
Trước hết, virus còn gọi là siêu vi là loại mầm bệnh khác hẳn vi khuẩn. Kháng sinh kháng khuẩn trị được vi khuẩn vì cấu trúc hình hài vi khuẩn là tế bào tương đối hoàn chỉnh. Mỗi thành phần trong cấu trúc tế bào vi khuẩn có cấu tạo thích hợp trở thành "đích" cho kháng sinh nhắm đến, gắn vào và cho tác dụng. Thí dụ như lớp vỏ bao bọc vi khuẩn là "đích tác dụng" của kháng sinh nhóm beta-lactam (gồm các penicillin và các cephalosporin).
Kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn bằng cách phá hỏng vỏ tế bào. Trong khi đó, virus có cấu trúc khác hẳn vi khuẩn, đơn giản hơn nên được gọi là "phi tế bào" và bắt buộc sống ký sinh bên trong tế bào ký chủ mà nó xâm nhiễm. Virus có cấu trúc chỉ là bộ gen (hoặc DNA hoặc RNA) bao quanh là lớp vỏ protein chứa nhiều kháng nguyên (virus cúm A chứa kháng nguyên H và N, và loại rất độc lưu hành hiện nay được định danh H5N1). Chính có cấu trúc không là "đích tác dụng" nên hầu hết kháng sinh không thấm được vào và không có tác dụng đối với virus.
Ðiều cần ghi nhận là cấu trúc của virus có thể thay đổi. Vào lúc này, nó là "đích tác dụng" với một số thuốc kháng virus, nhưng vào lúc khác, nó lại thay đổi và không còn là "đích tác dụng" của các thuốc này nữa - mà ta gọi là sự "đề kháng thuốc". "Khó trị" là như thế.
Nguyên tắc của việc bào chế vaccin
Phần kế tiếp xin giải thích vì sao việc tìm ra vaccin để ngừa bệnh nhiễm virus lại khó khăn, đòi hỏi phải có thời gian dài nghiên cứu, chẳng hạn như virus cúm A H5N1 theo dự kiến phải mất nhiều tháng sau (tính từ thời điểm này) mới tìm được vaccin phòng ngừa.
Nguyên tắc của việc bào chế vaccin là người ta dùng mầm bệnh (chết hoặc sống) nhưng làm cho hết độc, hoặc một phần mầm bệnh (như dùng lớp vỏ bao bọc protein của virus) rồi dùng kỹ thuật tái tổ hợp DNA của công nghệ sinh học bắt vi sinh vật (như tế bào nấm men hoặc vi khuẩn E.coli) để sản xuất ra vaccin.
Như vậy, thực chất trong vaccin có chứa mầm bệnh hoặc một phần mầm bệnh để khi đưa vào trong cơ thể, cơ thể sẽ nhận diện được mầm bệnh đó và tổng hợp kháng thể đặc hiệu để khi bị nhiễm mầm bệnh thật, cơ thể đã có sẵn kháng thể chống trả hiệu quả, tiêu diệt được mầm bệnh. Ðiều kiện bắt buộc là mầm bệnh thật khi bị nhiễm phải không thay đổi so với mầm bệnh được dùng làm vaccin, còn nếu mầm bệnh thật thay đổi hình dạng thì vaccin sẽ không còn hiệu quả.
Ta cũng nên biết, virus nói chung, trong đó có virus cúm rất "xảo quyệt", chúng thường xuyên biến đổi cấu trúc hình dạng, xuất phát từ biến đổi (hay còn gọi đột biến) bộ gen đưa đến biến đổi các kháng nguyên ở lớp vỏ bao bọc protein, vì vậy vaccin được bào chế trước đây có hiệu quả thì nay không còn hiệu quả nữa. Chẳng hạn như virus cúm A dòng H5N1 trước đây đã gây dịch cúm tại Hồng Kông vào năm 1997, sau khi phân tích bộ gen của dòng H5N1 gây cúm lần này, người ta thấy có sự khác biệt khá nhiều. Do đó, các vaccin đã được nghiên cứu bào chế trước đây không giúp cơ thể ta nhận biết để chống trả hữu hiệu virus cúm đã thay đổi hình dạng vào thời điểm này nữa. Và cũng vì vậy, có thông tin phải mất nhiều tháng nữa mới có thể tìm ra vaccin để đối phó với sự thay hình đổi dạng nhằm phòng chống sự lây nhiễm virus cúm A H5N1 hiện nay.
Nhận thức được virus cúm A H5N1 khó trị, ta nên có sự cảnh giác đúng mức, phải biết tự bảo vệ mình bằng cách tuân thủ những quy định mà ngành y tế ban hành trong công tác phòng chống dịch bệnh.