NHỮNG HOẢNG HỐT SAI LẦM CỦA BÀ MẸ VỀ VIÊM GAN SIÊU VI B
Thời gian gần đây có hiện tượng không ít bà mẹ hốt hoảng mang con vào BV với hàng đống giấy tờ xét nghiệm trên tay và lo sợ con mình đã bị Viêm gan siêu vi B “chắc là… sắp chết?!” chỉ vì thấy đứa bé bị vàng da! Chưa nói đến một số trường hợp do thiếu hiểu biết từ cả ở những người điều trị nên không chỉ gây tốn kém phiền phức cho gia đình vì phải làm quá nhiều xét nghiệm mà còn gây hoang mang thậm chí xào xáo gia đình vì những kết luận sai lầm đồng thời việc dùng thuốc bừa bãi dẫn đến tác hại cho sức khỏe đứa trẻ một cách oan uổng. Đó là một cảnh báo mới đây của BS Trương Hữu Khanh- trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1 về vấn đề này.
Bé LTT nhà ở Tân Bình chưa được 1 tháng tuổi thấy da bé hơi vàng vàng, gia đình liền đưa bé đi khám ở rất nhiều phòng mạch tư và nơi nào BS cũng yêu cầu làm đủ hết các xét nghiệm máu và đều kết luận là “bé đã bị bệnh viêm gan siêu vi B(VGSVB)!” mà không giải thích cụ thể. Cả nhà bé hốt hoảng, cha mẹ bé cắn đắng nhau, qui kết trách nhiệm “lây nhiễm” cho nhau… Ngày 21.7 bé được đưa vào BV Nhi Đồng 1, sau khi được các BS khoa Nhiễm chẩn đoán, xem xét kỹ lưỡng các vấn đề liên quan, 2 ngày sau bé được xuất viện với giải thích cặn kẽ cho gia đình: bé chỉ mang siêu vi viêm gan B nhưng gan không bị bệnh và bé chỉ cần được theo dõi định kỳ chứ chưa phải điều trị gì cả.
Tương tự trường hợp bé trai VH 11 tuổi ở An Giang nhập viện cách nay 1 tháng trong tình trạng suy sụp… của bà mẹ: từ năm bé H 3 tuổi khi thử máu cho bé phát hiện có HBsAg dương tính, người mẹ không còn làm ăn gì được, chỉ ôm con chạy thầy chạy thuốc chổ nọ chổ kia, cứ thử máu liên tục mỗi năm (nhưng lại không làm xét nghiệm chức năng gan), thậm chí chị không dám sanh thêm con(bé H là con đầu lòng), việc học hành của bé cũng bị ảnh hưởng vì cứ phải đi khám chữa bệnh suốt… Đáng nói là khi vào BV Nhi Đồng 1 thì thì bé đã có một số biểu hiện xấu về sức khỏe như hay ói mữa, giảm bạch cầu trong máu… vì những tác dụng phụ do dùng thuốc điều trị VGSVB từ 2 năm nay một cách vô tội vạ và không cần thiết.
BS Trương Hữu Khanh cho biết: biểu hiện vàng da ở đứa trẻ thường làm các bà mẹ lo sợ VGSVB. Tuy nhiên nguyên nhân gây vàng da ở trẻ rất nhiều mà nhiều nhất vẫn là vàng vàng da sinh lý khi mới sinh sau đó sẽ tự khỏi trong vòng 1 tuần lễ và vàng da do sữa mẹ cũng sẽ tự khỏi, hoặc vàng da do trẻ được cho ăn uống quá nhiều cà rốt, đu đủ( chất B-caroten). Nếu bị vàng da nhân hay vàng da do tắc mật, teo đường mật bẩm sinh là những bệnh lý nguy hiểm thì phải được điều trị kịp thời. Còn VGSVB lại là vấn đề khác. Các xét nghiệm máu để chẩn đoán VGSVB chủ yếu là tìm kháng nguyên bề mặt siêu vi B ( xét nghiệm HbsAg), tìm kháng thể chống lại VGSVB (xét nghiệm AntiHBs)… Tại VN theo những nghiên cứu gần đây có khoảng 10- 15% dân số bị nhiễm VGSVB với đường lây chủ yếu là người mẹ mang siêu vi B lây sang cho con trong lúc sanh nở. Theo BS Đinh Dạ Lý Hương – ĐH Y Dược TPHCM: khoảng 95% số trẻ em bị nhiễm siêu vi viêm gan B từ nhỏ này không thể loại trừ siêu vi viêm gan B ra khỏi cơ thể và trở thành người mang siêu vi B mãn tính suốt đời (và trở thành người có khả năng lây bệnh cho người khác) do đó Bộ Y tế hiện nay đang tiến hành từng bước đưa chủng ngừa VGSVB vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho tất cả trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, may mắn là phần lớn số người mang siêu vi B mãn tính vẫn có thể khỏe mạnh suốt đời do siêu vi B vẫn ở trạng thái nằm yên không tấn công vào tế bào gan gây viêm gan. Nghĩa là một số lớn bệnh nhân chỉ mang siêu vi B(xét nghiệm HbsAg dương tính) mà gan không bị bệnh. Do đó đừng quá hoảng hốt, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa về gan để được chẩn đoán chính xác mà nhất là phải xét nghiệm máu về chức năng gan , nếu gan vẫn bình thường không bị hư hại thì được gọi là “người mang siêu vi B mãn tính không triệu chứng” thì chỉ cần theo dõi định kỳ 3- 6 tháng/lần, chưa đặt ra vấn đề điều trị. Ngược lại nếu xét nghiệm chức năng gan có bất thường, bị viêm… thì tùy mức độ nặng nhẹ mà BS chuyên khoa sẽ quyết định việc điều trị ra sao. Đa số những trường hợp trẻ được đưa vào BV nêu trên đều ở dạng “mang siêu vi B, không triệu chứng” nghĩa là trẻ bình thường chưa có bệnh, không cần phải điều trị.
Do vậy lời khuyên của các bác sĩ là các bà mẹ đừng nên quá hốt hoảng và cần đến BS chuyên khoa để được tư vấn đúng đắn. Hiểu biết đúng về VGSVB (cũng như viêm gan siêu vi C…) cũng là một yêu cầu đặt ra với các BS nhất là BS nhi khoa vì đây hiện đang là căn bệnh mang tính thời sự. Cũng không nên vì một lý do nào ngoài lý do yêu cầu cần thiết cho việc chẩn đoán điều trị mà các y BS “bắt” bệnh nhân của mình làm quá nhiều xét nghiệm như đã xảy ra tình trạng vừa qua mà các bậc phụ huynh vẫn hoang mang vì không được giải thích đúng đắn về bệnh của con em mình.
THÚY HÀ