Báo động tình trạng kháng thuốc của bệnh nhân lao
Chờ khám tại Trung tâm Lao và Bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch. |
Hiện có khoảng 32,5% số bệnh nhân lao bị kháng thuốc, trong đó những người kháng nhiều loại thuốc chiếm tỷ lệ cao. Điều nguy hiểm là có những bệnh nhân mới bị lao lần đầu, chưa điều trị lần nào nhưng đã kháng thuốc đặc hiệu.
Theo Chương trình Phòng Chống lao Quốc gia, hằng năm cả nước có thêm khoảng 145.000 bệnh nhân lao, trong đó có 65.000 bệnh nhân ho khạc ra vi khuẩn. Mỗi ngày có thêm 400 người mắc và 55 người chết vì bệnh lao. Tuy nhiên, mối lo hàng đầu không phải là sự gia tăng của bệnh hay tỷ lệ tử vong mà là tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn lao.
Một cuộc khảo sát trên 593 bệnh nhân lao ngẫu nhiên tại các tỉnh từ Bình Thuận đến Minh Hải phát hiện được 208 bệnh nhân kháng thuốc; 50% trong số này kháng từ 2 loại thuốc trở lên. Đặc biệt có 20 bệnh nhân kháng tất cả các loại thuốc đặc hiệu.
TP HCM là địa phương có tỷ lệ kháng thuốc cao nhất (gần 40%). Theo điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ kháng thuốc lao ở TP HCM cao gấp 3 lần so với Mỹ, 5 lần so với Anh, 10 lần so với Scotland và gấp 4 lần tỷ lệ trung bình của thế giới (9,9%).
Nhiều nghiên cứu khẳng định, các phương pháp điều trị hiện nay đã chữa lành được trên 95% bệnh nhân lao của nhóm không kháng thuốc. Nhưng ở nhóm kháng thuốc, tỷ lệ này chỉ là 56%. Theo ông Nguyễn Chí Quí, Trung tâm Lao và Bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch, đối với những bệnh nhân kháng đa thuốc, chỉ có thể áp dụng một phác đồ điều trị đặc biệt tốn kém, vượt quá khả năng của hầu hết bệnh nhân và chương trình chống lao trong cộng đồng.
Các sai sót dẫn đến tình trạng kháng thuốc ở bệnh nhân lao
- Thầy thuốc cho phác đồ điều trị không đủ mạnh.
- Tăng thêm một thuốc lao khác sau khi điều trị thất bại.
- Không được cung cấp đầy đủ thuốc, không uống thuốc lao cùng một lúc khi bụng đang đói, tự động ngưng điều trị rồi lại điều trị tiếp.
- Thiếu hướng dẫn giáo dục trong quá trình điều trị.
- Không được tổ chức quản lý điều trị chu đáo, theo dõi điều trị có kiểm soát hằng ngày, nhất là giai đoạn tấn công.
- Không đủ tiền mua thuốc liên tục và mua đủ, không có thời gian và phương tiện đi lại để đến các cơ sở của Chương trình Phòng Chống lao Quốc gia.
Người Lao Động