CÁC BỆNH NHIỄM KHUẨN HÔ HẤP (CẤP)
BS. Bùi Xuân Vĩnh
1. Bệnh nhiễm khuẩn hô hấp là gì?
Nhiễm khuẩn hô hấp là tình trạng một hoặc một số bộ phận thuộc bộ máy hô hấp bị viêm nhiễm do vi khuẩn hoặc siêu vi gây ra.
Về phương diện lâm sàng, nhiễm khuẩn hô hấp gồm hai loại:
- Nhiễm khuẩn hô hấp trên gồm:
Viêm mũi
Viêm họng
Viêm amidan
Viêm tai giữa
Viêm xoang.
- Nhiễm khuẩn hô hấp dưới gồm:
Viêm thanh quản
Viêm khí quản
Viêm phế quản
Viêm phổi.
2. Nguyên nhân và các yếu tố thuận lợi gây bệnh?
Nguyên nhân gây viêm nhiễm đường hô hấp thường do siêu vi hoặc vi khuẩn.
- Viêm nhiễm đường hô hấp trên thường do siêu vi nhưng cũng có thể do vi khuẩn.
- Viêm nhiễm hô hấp dưới thường do vi khuẩn, nhưng cũng không ít trường hợp do siêu vi.
Các bệnh nhiễm khuẩn thường phát triển mạnh nếu gặp những yếu tố thuận lợi: đó là môi trường thiếu vệ sinh, sự thay đổi thời tiết và tuổi tác (trẻ em, người cao tuổi dễ bị). Bệnh cũng rất dễ xảy ra ở những người có sức đề kháng yếu (trẻ em suy dinh dưỡng, người già suy kiệt).
3. Dấu hiệu nhận biết nhiễm khuẩn hô hấp là gì?
Có nhiều dấu hiệu có thể giúp người trong gia đình phát hiện bệnh ở người thân , chủ yếu là:
- Sốt
- Sổ mũi hoặc nghẹt mũi
- Đau họng
- Ho
- Khò khè
- Nhịp thở nhanh.
Nếu bệnh trở nặng, có thể thấy người bệnh xanh tái, cánh mũi phập phồng, co rút lồng ngực và khó thở
4. Tác hại và biến chứng của bệnh nhiễm khuẩn hô hấp?
Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể biến chứng dẫn tới:
- Suy hô hấp
- Áp xe phổi
- Tràn dịch (mủ) màng phổi
- Nhiễm khuẩn huyết.
Các biến chứng trên đều nguy hiểm và rất dễ dẫn tới tử vong. Do đó, việc điều trị cần được tiến hành sớm.
5. Cách xử trí các trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp (cấp)?
- Nếu bệnh nhân không thở nhanh và khó thở, có thể điều trị tại nhà bằng cách cho uống các loại nước làm dịu cổ họng ví dụ như nước chanh hòa với mật ong.
- Nếu bệnh nhân có thở nhanh nhưng chưa có dấu hiệu khó thở và co rút lồng ngực, cần đưa đến cơ sở y tế để điều trị.
- Trường hợp có khó thở và co rút lồng ngực cần đưa ngay đến bệnh viện để cấp cứu.
6.Cách sử dụng thuốc trong nhiễm khuẩn hô hấp?
Các thuốc thường dùng trong các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp (cấp), ngoài các thuốc điều trị triệu chứng như: thuốc hạ sốt, thuốc trị ho hoặc trị đàm... có thể còn cần dùng tới kháng sinh.
Cần lưu ý là không nên tự ý mua và sử dụng kháng sinh.Thầy thuốc sẽ hướng dẫn nên dùng loại thuốc nào, cách sử dụng ra sao để mau hết bệnh và tránh được nguy cơ bị lờn thuốc, nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh.
Thông thường kháng sinh đều cần uống mỗi ngày 2 - 4 lần, trong 5 - 10 ngày. Hiện nay có loại thuốc chỉ cần uống mỗi ngày một lần và chỉ trong 3 ngày cũng cho tác dụng điều trị tốt, thuận tiện hơn cho việc sử dụng.
7. Cách chăm sóc người bệnh?
Việc chăm sóc người bệnh cần được coi trọng.
Người bệnh cần:
- Được nằm nghỉ trong một phòng thoáng mát, nhưng không lạnh;
- Được nuôi dưỡng với các chất bổ dưỡng, nhưng nhẹ nhàng dễ tiêu;
- Được dùng thuốc đều đặn, đúng liều, thường xuyên;
- Được theo dõi sát để phát hiện kịp thời các biến chứng nếu xảy ra.
8. Cách phòng ngừa?
Để phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp, cần thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh môi trường, nhà cửa, chống cảm lạnh tránh xa các người bệnh đang có triệu chứng hô hấp như ho, khạc, và luôn luôn có biện pháp bồi dưỡng, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, nhất là đối với trẻ em và người cao tuổi.