Sẽ có thuốc đặc trị cho bệnh nhân HIV
TP HCM cùng hơn 20 tỉnh, thành sẽ tiếp nhận nguồn viện trợ phòng chống HIV - AIDS từ dự án DFID của Anh, Na Uy và Quỹ toàn cầu (Global Fund) với tổng trị giá 37 triệu USD. Nhờ đó, các bệnh nhân AIDS thành phố sẽ được điều trị với chi phí dưới 200 USD so với 12.000 USD ở nước khác.
Ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, cho biết, hai dự án là cơ sở để thành phố triển khai phòng chống HIV - AIDS bằng "hai chân": dự phòng và điều trị, khác với chỉ tuyên truyền, giáo dục ý thức như trước. Trong đó, dự án DFID trị giá 25 triệu USD/ 5 năm hoạt động, tập trung vào các biện pháp can thiệp dự phòng, Quỹ toàn cầu 12 triệu USD/3 năm, dành cho chăm sóc, chữa trị.
Nếu được điều trị bằng thuốc, nồng độ HIV trong máu và dịch tiết của người bệnh sẽ giảm đáng kể, xác suất lây nhiễm qua tiếp xúc với người lành xấp xỉ 0. Dự kiến những quận đầu tiên được cung cấp thuốc sẽ là quận 8, quận 6, Bình Thạnh trong năm nay, quận 4, quận 1 năm 2005.
Ông Giang cho biết thêm, việc cấp thuốc phải đảm bảo công bằng do có hai thế hệ thuốc điều trị HIV, chênh nhau về giá tiền và giá trị và hai cách tiếp cận: chi trả và miễn phí. Do đó, Hội đồng xét chọn bệnh nhân được điều trị sẽ lựa chọn đối tượng theo tiêu chuẩn: cán bộ bị tai nạn phơi nhiễm, trẻ em nhiễm HIV từ mẹ, người nhiễm HIV tham gia tích cực các hoạt động phòng chống, đối tượng bà mẹ mang thai và dạng chính sách.
Mạng lưới cung ứng sẽ lấy tuyến huyện là trung tâm, kết nối từ thành phố xuống phường, xã. Yêu cầu sử dụng thuốc là thích hợp, an toàn, quản lý chặt chẽ chống tiêu cực từ người cung ứng và thụ hưởng.
Tuy nhiên, do thuốc không chữa khỏi bệnh mà chỉ kéo dài đời sống, cộng với số người nhiễm mới nên tổng nguồn lây của thành phố sẽ tăng. Một hạn chế nữa là sự mất cảnh giác của cộng đồng với tâm lý bệnh đã có thuốc chữa. "Do đó, chỉ có hoạt động dự phòng mới làm giảm số người nhiễm mới, khống chế được dịch", ông Giang nói.
Lê Nhàn