90% bệnh nhân lao được điều trị
khỏiNăm 2000, Việt Nam đã điều trị cho gần 90.000 bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh lao bằng phương pháp điều trị hóa chất ngắn ngày trực tiếp có kiểm soát (Direct
observed treatment short cours chemotherapy- Dots) với tỷ lệ thành công là 90%. Ông Nguyễn Việt Cồ, Viện trưởng Viện Lao và các bệnh phổi, cho biết như vậy.Với sự nỗ lực của Chính phủ và sự giúp đỡ của quốc tế, nhất là Hà Lan, trong 15 năm qua, Việt Nam đã ngăn ngừa được bệnh lao cho ít nhất 8 triệu người.
Các con số thống kê
- Trong 5 năm, kể từ 1996, do mạng luới chống lao được mở rộng, hệ thống xét nghiệm ở cấp tỉnh và một số huyện bắt đầu được nâng cấp, nên số bệnh nhân lao được phát hiện là trên 418.000 người, tăng gấp 1,5 lần so với 5 năm trước. Số bệnh nhân lao phổi có xu hướng giảm dần.
- Trung bình mỗi năm, khoảng 80% người mắc lao phổi hiện có trong cộng đồng được phát hiện bệnh. Còn lại khoảng 221.000 người bị lao các loại chưa được phát hiện, trong đó có 78.000 người lao phổi.
- Trên 85% số bệnh nhân biết về bệnh của mình đã được điều trị khỏi.
- Nguy cơ nhiễm lao hằng năm ở Việt Nam là 1,7% dân số. Con số này là 2,2% ở phía Nam.
- Mỗi năm có 20.000 người chết vì lao.
- Tỷ lệ lao trẻ em là 60-61 trẻ/10.000 trẻ. Mỗi năm có khoảng 20.000 trường hợp lao trẻ em. Song hiện nay, mới chỉ điều trị được khoảng 300 trẻ.
Triển khai chương trình
Ưu điểm:
- Hiện nay, phương pháp Dots đã được triển khai ở tất cả các xã huyện trong cả nước.
- Chương trình phòng chống lao đã theo dõi và quản lý tăng từ 95% năm 1996 lên 99% dân số.
- Hệ thống y tế thôn bản đã đóng vai trò tích cực trong việc phát hiện người nghi lao và theo dõi giám sát điều trị bệnh lao, nhất là ở những vùng khó khăn.
Tuy nhiên, việc triển khai chương trình phòng chống lao ở một số tỉnh còn kém do:
-Số lượng bác sĩ, y tá, xét nghiệm viên theo chuyên khoa lao còn thiếu nhiều. Trung bình cả nước chỉ có 2,9 bác sĩ, 3,6 y tá và 1,1 xét nghiệm viên lao phục vụ 1 vạn dân.
- Hạ tầng cơ sở y tế cho chuyên khoa lao còn kém.
- Kinh phí hạn hẹp.
Phương hướng
Trong 5 năm năm tới, Chương trình chống lao sẽ:
- Tiếp tục đào tạo cán bộ cơ sở có đủ năng lực quản lý, giám sát dịch tễ.
- Đặc biệt quan tâm tới người dân vùng sâu, nhân viên y tế thôn bản.
- Tổ chức mạng lưới chống lao cho người vô gia cư...
Việt Nam phấn đấu:
- Giảm 50% người mắc lao các loại vào năm 2010.
- Giảm 50% người lao phổi vào năm 2015.
- Giảm tối đa nguy cơ kháng thuốc của vi khuẩn lao bằng duy trì kết quả khỏi bệnh cao hơn 85% ở số bệnh nhân được điều trị.
TTXVN, 22/5