COI CHỪNG SÁN LÁ GAN... LANG THANG CÙNG RAU SỐNG VÀO NGƯỜI!
KIM SƠN
Tập quán của người VN chúng ta là rất thích ăn rau sống. Khi ngồi trước
tô bún riêu, bún bò... bốc khói, khó mà "cầm lòng" với đĩa rau thơm, rau muống
bào kế bên. Nhiều người còn nghiền món lẩu với rau nhút, rau ngổ chấm với mắm,
gỏi ngó sen v.v... Nhưng coi chừng: sán lá gan lớn (Fasciola hepatica) mà ấu
trùng của nó lẫn trong các loài rau mọc dưới nước đang rình rập để lọt vào cơ
thể bạn bất cứ lúc nào.
Từ ca đầu tiên được phát hiện tại một bệnh viện ở TPHCM năm 1991, đến
nay đã phát hiện được trên 150 ca, với chiều hướng ngày càng gia tăng, số nhập
viện tại Trung tâm bệnh nhiệt đới năm 1998 là 62 lượt người, thì 9 tháng đầu năm
1999 là 105 lượt người. Nhiều trường hợp ở các bệnh viện nghi là áp xe gan, ung
thư gan phải mổ, có người viết di chúc để lại..., nhưng chờ hoài bệnh vẫn không
khỏi và cũng không hết. Cuối cùng, qua xét nghiệm máu cho thấy bạch cầu ái toan
tăng cao, làm tiếp chẩn đoán huyết thanh miễn dịch học thì phát hiện nhiễm sán
lá gan!
ĐI CHỮA LÒNG VÒNG...
Sáng ngày 2/10/1999, tại Khoa nhiễm E Trung tâm bệnh nhiệt đới (TTBNĐ) TPHCM,
chúng tôi đã gặp vợ chồng anh Nguyễn Văn Thạnh (41 tuổi) - chị Lê Thị Liễu (39
tuổi) đã phải tốc hành đáp xe lửa từ Đà Naüng vào TPHCM ngày 28/9/1999 vì trước
đó có BS nghi chị bị... ung thư nhưng chưa xác định vì "chị còn trẻ - khó mắc,
nhưng cũng không loại trừ". Chị cho biết:
- Bệnh khởi phát cách đây khoảng 3 tháng, cứ bị đau bụng, đi khám ở phòng
mạch tư (PMT) BS nghi viêm dạ dày, co thắt đại tràng, cho uống thuốc chữa đau dạ
dày trong 5 ngày, thấy bớt. Nhưng đến 30/6/1999 bệnh tái phát: đau bụng phải vào
bệnh viện, BS cho chiếu X quang nói bị sa dạ dày, đáng lý phải nằm viện nhưng do
có con nhỏ (25 tháng tuổi) nên cho điều trị ngoại trú bằng đông y trong một
tháng, thấy không đau. Cách đây nửa tháng lại đau ở hạ sườn phải, cứ nghĩ là đau
dạ dày do bế con bị ốm cả đêm. Đi khám, BS PMT nói đau dạ dày rồi cho châm cứu
để "lên dạ dày". Không châm cứu, vào bệnh viện BS khám thấy gan tổn thương sưng
lên, nên cho đi chiếu X quang... Ra phòng mạch tư một BS siêu âm nghi là sán lá
gan. BS nói "bệnh này không có thuốc chữa và không có phương tiện chẩn đoán
chính xác, nếu muốn phải lấy máu gửi vô Sài Gòn chờ 1 tháng sau mới có kết quả".
Nghe vậy, gia đình tôi quyết định gửi 3 đứa con cho bà ngoại để vô Sài Gòn.
Chị cho biết thêm: "May là em gặp BS Đặng Mỹ Hương ở BV C Đà Naüng hướng dẫn
cách đi tìm đúng địa chỉ Bộ môn Ký sinh học Đại học Y dược TPHCM để xét nghiệm
máu. Khỏi phải đi lòng vòng".
16 giờ ngày 29/9/1999, hai vợ chồng hồi hộp chờ PTS Trần Thị Kim Dung trả kết
quả xét nghiệm: Nhiễm sán lá gan. Chồng chị mừng quá khóc tại chỗ. Vậy là không
phải ung thư gan. Vậy là chữa được, chắc chắn chị sẽ về với các con... Nhập viện
TTBNĐ ngày 30/9/1999. Sáng ngày 2/10/1999 chị cười thật tươi khi nhớ lại: "Mình
rất thích ăn rau sống, nhất là rau muống, rau đắng, rau thơm... Có ngờ đâu dẫn
tới bệnh sán lá gan!".
Cùng "may mắn" như chị, có bệnh nhân N.T.N.L 40 tuổi, ngụ tại Gia Lai đến tái
khám vào ngày 2/10/1999. Chị N.T.N.L kể: "Lúc đầu cũng đau bụng, sốt, đi khám BS
PMT, BS cho uống thuốc chữa đau dạ dày. Sau 4 ngày không bớt, phải đến PMT khác,
BS cho siêu âm phát hiện áp xe gan. Chích Emetine và uống Chloroquine 13 ngày,
hết đau. BS khuyên: "Nếu có điều kiện nên đi TPHCM xét nghiệm xem có kết quả
không?". Chị đi chụp CT Scanner, kết quả: Theo dõi áp xe gan cũ trong phân thùy
VII, đi xét nghiệm máu tại bộ môn Ký sinh học, kết quả: nhiễm sán lá gan. Tổng
chi phí điều trị lòng vòng đi lại, cũng trên 4 triệu đồng.
Chuyện chữa lòng vòng không chỉ ở tỉnh, mà xảy ra tại một số đơn vị điều trị
ở TPHCM. Bệnh nhân P.N.M, 71 tuổi ở Lâm Đồng đến một phòng khám và được chẩn
đoán: u gan, phải mổ. Sau tái khám nhiều lần vẫn còn đau ở hạ sườn phải, phòng
khám cho là... ung thư nặng, chuyển Trung tâm Ung bướu. BS ở Trung tâm Ung bướu
nghi là sán lá gan nên cho xét nghiệm máu, kết quả dương tính, chuyển TTBNĐ điều
trị với thuốc đặc hiệu - kết quả khả quan sau 10 ngày.
Cũng tại một trung tâm chuyên khoa ở TPHCM, bệnh nhân P.C.T 29 tuổi bị nghi
là ung thư gan, BS tiến hành mổ gan, bệnh nhân vẫn đau bụng. Khi tái khám một BS
khác cho lấy máu gửi bộ môn KSH xét nghiệm thì phát hiện nhiễm sán lá gan!
Chuyển TTBNĐ điều trị.
Đối với người bệnh khi BS kết luận "ung thư" không khác gì kêu bản án tử
hình, nên nhiều gia đình rất bi quan. Bệnh nhân N.C, 43 tuổi, ở Khánh Hòa nhập
viện TTBNĐ ngày 10/8/1999 với bệnh sử: khoảng tháng 7/1999 bị sốt, đau bụng, tới
PMT ở Khánh Hòa BS cho là ung thư gan di căn, chuyển BV tỉnh cũng cho là áp xe
gan và ung thư gan. Về nhà ông viết di chúc rồi nằm chờ hoài thấy... không chết.
Ông quyết định vào TPHCM, hy vọng chữa tốt hơn, kết quả xét nghiệm nhiễm sán lá
gan và chuyển, nhập viện TTBNĐ!
PTS Trần Thị Kim Dung, người đã cùng GS Trần Vinh Hiển nghiên cứu điều chế
kháng nguyên để phát hiện kháng thể trong huyết thanh của bệnh nhân bị sán lá
lớn ở gan cho biết, có lúc chị cũng hồi hộp không khác gì bệnh nhân. Chị nhớ lại
trường hợp em N.T.B.H, 17 tuổi, ngụ tại Bình Thuận nhập viện tháng 10/1997.
N.T.B.H là con gái duy nhất trong một gia đình đã có 3 người con chết không rõ
nguyên nhân. Đến khi N.T.B.H ngã bệnh được BV tỉnh chẩn đoán là ung thư gan và
làm phiếu chuyển Trung tâm Ung bướu TPHCM. Bố mẹ của N.T.B.H vội vã đưa em vào
Trung tâm chẩn đoán y khoa, qua siêu âm BS nghi không phải ung thư, lấy máu gửi
bộ môn KSH. Bộ môn hẹn 13 giờ ngày hôm sau sẽ trả kết quả, nhưng mới 10 giờ sáng
đã thấy cả hai người đứng chờ trước cửa bộ môn. Khi biết con mình dương tính sán
lá gan, cả hai mừng khôn xiết vì biết chắc chắn rằng con mình thoát chết! Hiện
N.T.B.H đã là giáo viên, thỉnh thoảng đến tái khám tại TTBNĐ.
N.T.M.A, 17 tuổi, ngụ tại quận 3 TPHCM, con muộn của một gia đình đi tập kết.
Bỗng nhiên chiều nào em cũng sốt, đổ mồ hôi. Qua cơn sốt, sáng hôm sau đi học
lại bình thường. Sốt kéo dài, sụt cân, phải nhập viện một BV lớn, BS chẩn đoán
không ra nguyên nhân, về nhà chờ... chết. Tình cờ, nhóm nghiên cứu đến các BV
xin mẫu máu về để chẩn đoán các bệnh ký sinh trùng, đã phát hiện N.T.M.A nhiễm
sán lá gan, nên đã đến tận nhà mời em vô TTBNĐ điều trị. Mới đây N.T.M.A đi tái
khám, cười toe toét, cho biết mình đang học năm thứ hai Đại học mở.
N.T.B.H, N.T.M.A đều cho biết khi đi học rất thích ăn bún riêu với rau muống
chẻ!
CON ĐƯỜNG "LANG THANG" CỦA SÁN
Nhóm nghiên cứu phối hợp gồm: PTS Trần Thị Kim Dung (Bộ môn KSH Đại học Y
dược TPHCM), GS Trần Vinh Hiển, BS Nguyễn Hữu Chí, BS Phan Hữu Danh, BS Phạm Thị
Hạnh (Khoa nhiễm E Trung tâm bệnh nhiệt đới TPHCM), để phối hợp giữa chẩn đoán
với điều trị sao cho hiệu quả nhất, tất cả bệnh nhân đều được yêu cầu tái khám
3-6 tháng/lần và dự trù tiếp tục theo dõi trong 4 năm. Song, có nhiều trường hợp
như BS Phan Hữu Danh phân tích: Đa số bệnh nhân đến từ các tỉnh miền Trung như
Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng... chỉ một số ít ca ở các
tỉnh phía Nam như Bến Tre, Đồng Nai, Tây Ninh, TPHCM... nhiều trường hợp đi lại
khó khăn nên không tái khám.
Phân tích trong 125 trường hợp nhiễm sán lá gan Fasciola hepatica phát hiện ở
người trong năm 1997 cho thấy 2/3 là nữ, lứa tuổi từ 21-40 chiếm trên 60% tổng
số bệnh nhân. Các chẩn đoán trước khi đến TTBNĐ là 65/125 ca nghi áp xe gan, 8
ca nghi ung thư gan, 4 ca nghĩ đến viêm gan, 2 ca nghi do giun chui ống mật. Các
triệu chứng thường gặp là đau bụng - nhất là đau hạ sườn phải, sốt, kém ăn, sụt
cân, có ca bị rối loạn tiêu hóa, vàng da... Đại đa số qua siêu âm thấy có nhiều
ổ vi áp xe gan, kiểm tra công thức máu thấy bạch cầu ái toan tăng cao, có trường
hợp lên đến 70%-80% (so với bình thường chỉ khoảng 3%).
Con đường "lang thang" của Fasciola hepatica như thế nào? PTS Trần Thị Kim
Dung cho biết F. Hepatica trưởng thành có màu xám hồng dài từ 20-30mm, giống như
một lá cây với phần đầu nhỏ lại như cuống lá. Chúng sống trong ống mật của động
vật ăn cỏ (trâu, bò...), đẻ trứng màu nâu vàng có nắp (140x80m m). Trứng sán
theo phân của các loài động vật này tiếp tục phát triển trong nước qua trung
gian của loài ốc nhỏ Limnea. Sau khi ra khỏi ốc, ấu trùng của sán bám vào các
loại rau cỏ mọc dưới nước như rau muống, rau ngổ... Trâu, bò, dê, heo... ăn rau
cỏ mọc dưới nước sẽ bị nhiễm ấu trùng sán. Nếu bị nhiễm ít, bệnh trên gia súc sẽ
không thể hiện rõ, nhưng lại tạo nguồn duy trì bệnh trong thiên nhiên.
Con người mắc bệnh này do ăn rau mọc dưới nước bị nhiễm mà không nấu chín.
Bệnh thể hiện qua hai giai đoạn:
- Giai đoạn xâm nhập:
Với những dấu hiệu nhiễm trùng độc không có gì đặc biệt: mệt mỏi, tiêu chảy, đau
bụng, đau dần dần và tập trung vào vùng gan, gan to, dị ứng, bạch cầu ái toan
tăng rất cao (70-80%). Giai đoạn này có thể kéo dài vài tuần đến 3 tháng. Đó là
giai đoạn di chuyển của sán lúc còn non, trong mô gan, cho đến lúc trưởng thành
trong ống mật.
- Giai đoạn toàn phát: Sau 3 tháng, sán đã định vị trong ống
mật. Người bệnh sẽ có những triệu chứng viêm gan mật mãn, tiếp tục bị mệt mỏi,
sụt cân, biếng ăn... Giai đoạn này, số bạch cầu ái toan lại giảm nhiều. Trong
phân cũng như dịch mật người bệnh bắt đầu có thể tìm thấy những trứng sán. Nhưng
thực tế số trứng rất ít và cũng ít khi xét nghiệm này được chỉ định. Bệnh tiếp
tục kéo dài trong nhiều năm.
Phần lớn các ca phải chuyển về TPHCM do không phát hiện được bệnh, điều trị
bệnh không đúng thuốc dẫn đến bệnh kéo dài. Nên điều trị sớm khi sán còn non,
bệnh sẽ lành hẳn, không để lại di chứng. Ngược lại, nếu để tồn lưu lâu ngày sẽ
bị các bệnh mãn tính của đường mật, có thể biến chứng vỡ gan, xơ gan, suy gan,
đau bụng dai dẳng, mất sức lao động... BS Phan Hữu Danh cũng lưu ý: với thuốc
hiện đang được sử dụng là Emetine - rất độc nên không thể tự ý sử dụng ngoài
bệnh viện. Đã có trường hợp BS ghi toa là Dehydro - emetine 20mg, ngày 2 ống
tiêm dưới da trong 10 ngày, nhưng bệnh nhân mua Emetine chlorhydrate 40mg, cũng
vẫn tiêm 2 ống/ngày, hậu quả là bị biến chứng suy tim, phải dùng thuốc điều trị
suy tim lâu dài, thậm chí có khi suốt đời. Các loại thuốc điều trị đặc hiệu cho
bệnh sán lá gan lớn như Triclabendazol, Bithionol chưa có trên thị trường VN.
Những năm gần đây bệnh bộc phát. Để phòng bệnh, hiện chỉ có cách là chúng ta
ý thức không ăn rau mọc dưới nước chưa được nấu chín. Đây là điều khó, vì khi
ngồi trước tô bún riêu, bún bò... bốc khói mà thiếu rau tươi là mất đi một phần
hương vị đậm đà!