Bệnh thủy đậu dễ lây, nhiều biến chứng
Người bệnh bị nổi từ 300 đến 500 nốt. |
Căn bệnh này đang vào mùa cao điểm và đã xuất hiện nhiều nơi ở TP HCM. Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trong 4 tháng đầu năm đã tiếp nhận 430 trẻ bị thủy đậu (trái rạ). Con số này, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, chiếm gần 62% của cả năm 2003.
Theo bác sĩ Khanh, bệnh thủy đậu do virus Varicella zoster gây ra, rất dễ lây. Virus có thể lây qua dịch mũi, miệng bắn ra trong không khí khi bệnh nhân nói, khóc, ho, hoặc hắt hơi; và từ dịch của các nốt thủy đậu. Bệnh lây nhiều nhất trong vòng 2 ngày đầu sau khi nổi ban, cũng có thể lây trước khi nổi 1 ngày. Khả năng lây truyền kéo dài trong 6 ngày.
Sau thời gian ủ bệnh (khoảng 14 ngày), người bệnh có các triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, biếng ăn, nhức đầu; nổi từ 300 đến 500 nốt, kéo dài khoảng 10 ngày. Nốt mọc ở thân mình, sau đó lan lên mặt và tay chân. Những nốt này có thể để lại sẹo vĩnh viễn nếu bị nhiễm trùng.
Biến chứng thường gặp nhất của thủy đậu là nhiễm trùng da và mô mềm, nhiễm độc tố vi khuẩn, viêm phổi hoặc nhiễm trùng máu (ít). Các nốt thủy đậu trên da khi bị bội nhiễm sẽ sưng to lên và gây ngứa, trẻ không chịu được, gãi làm trầy da và để lại những vết sẹo vĩnh viễn. Thủy đậu ít khi dẫn đến viêm não, nhưng điều này vẫn có thể xảy ra, gây tử vong hoặc để lại các di chứng thần kinh lâu dài. Mỗi năm, ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 có 1-2 ca tử vong do thủy đậu.
Các bác sĩ cũng nhấn mạnh bệnh thủy đậu còn gặp ở người lớn, với biểu hiện bệnh nặng hơn so với trẻ nhỏ. Sốt sẽ cao hơn và kéo dài hơn, các nốt nổi nhiều hơn. Bệnh nhân người lớn có nhiều khả năng gặp các biến chứng nặng như viêm phổi, đặc biệt là với phụ nữ mang thai.
Khoảng 26% phụ nữ mang thai mắc thủy đậu lây truyền virus sang thai nhi. Nếu người mẹ bị bệnh trong 3-4 tháng đầu của thai kỳ, khoảng 10-13% trẻ bị lây trong thời kỳ này; và khi sinh ra sẽ bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh (biến dạng chi, teo tứ chi, đục thủy tinh thể bẩm sinh, hoặc chậm phát triển tâm thần). Bệnh giời leo (zona) là một biến chứng lâu dài của bệnh thủy đậu, thường gặp ở người lớn tuổi, gây đau nhức dữ dội và có thể ảnh hưởng đến mắt nếu ở trên mặt, gây mù.
Tại cuộc hội thảo “Giải pháp trong phòng ngừa bệnh thủy đậu” mới đây tại TP HCM, các bác sĩ đều thừa nhận tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu nhất. Bác sĩ Khanh nhấn mạnh, đỉnh cao của bệnh này là vào khoảng tháng 3 đến tháng 5. Vì vậy, nên tiêm chủng vào khoảng tháng 6 đến tháng 9 để đạt hiệu quả phòng ngừa cao. Đối với trẻ từ 12 tháng đến 13 tuổi, chỉ cần tiêm một liều duy nhất vacxin Varilrix. Trẻ trên 13 tuổi và người lớn cần tiêm 2 liều (cách nhau 6-8 tuần).
Tại TP HCM, có thể đến tiêm phòng tại Viện Pasteur, Trung tâm y tế dự phòng hoặc các Đội y tế dự phòng quận, huyện, các bệnh viện Phụ sản Quốc tế, Nhi đồng, Hùng Vương, Từ Dũ, Phòng khám Nhi Khoa Nancy...
Khi mắc bệnh thủy đậu, nên:
- Vệ sinh ngoài da, tắm rửa sạch sẽ, thoa xanh methylène, không sử dụng gốc rạ để tắm hoặc dùng các loại lá để đắp lên vì có thể gây bội nhiễm. Cắt móng tay cho trẻ để trẻ khỏi gãi hoặc làm xước da.
- Uống thuốc giảm ngứa. Hạ sốt bằng paracetamol, không được cho trẻ uống aspirin. Chỉ sử dụng kháng sinh khi bác sĩ kê đơn.
- Trong trường hợp nặng thì phải nhập viện.
Để phòng lây lan, cần cách ly người bệnh ít nhất 1 tuần. Phụ nữ đang mang thai tuyệt đối tránh tiếp xúc với người đang mắc bệnh này.
Thiên Phúc