Virus viêm gan C - một sát thủ thầm lặng
Virus viêm gan C có thể lây truyền qua bàn chải đánh răng dùng chung . |
Hiện có khoảng 2% dân số Việt Nam bị nghi là nhiễm virus viêm gan C. Con số này đang có khuynh hướng gia tăng. Điều nguy hiểm là bệnh hầu như không có biểu hiện gì rõ rệt. Nhiều người chỉ biết mình nhiễm virus khi đã bị xơ gan, ung thư gan.
Virus viêm gan C được tìm ra năm 1989 nhưng đến năm 1992, xét nghiệm chẩn bệnh này mới ra đời. Khi thực hiện xét nghiệm đó cho những bệnh nhân bị viêm gan không phải A, cũng không phải B, các bác sĩ phát hiện rằng phần lớn bị nhiễm viêm gan C.
Sau khi xâm nhập cơ thể, virus C sẽ đi đến gan và sinh sôi nảy nở tại đó. Do đa số bệnh nhân không tự loại trừ được virus ra khỏi cơ thể nên bệnh sẽ tiến triển từ cấp tính (thường ít hơn 6 tháng) sang mạn tính. Khoảng 80% trường hợp nhiễm virus C sẽ chuyển sang mạn tính; 20% trong số đó sẽ tiếp tục chuyển sang xơ gan sau 20 năm nhiễm bệnh. Có khoảng 3% người xơ gan không triệu chứng tiến triển sang ung thư gan mỗi năm.
Virus viêm gan C là thủ phạm đứng hàng thứ ba gây ra xơ gan và ung thư gan, chỉ sau virus viêm gan B và rượu. Hiện có rất ít người được chẩn đoán bệnh trong giai đoạn sớm.
Những con đường lây nhiễm viêm gan C
Virus C được tìm thấy trong máu. Người bị nhiễm virus có trung bình 2 triệu virus/1 ml máu. Virus C có thể lây lan bằng nhiều cách:
- Dùng chung kim và ống tiêm: 60% - 90% người tiêm chích heroin bị nhiễm virus C trong năm đầu tiên. Những người nghiện nặng có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Tuy nhiên, chúng ta có thể bị nhiễm bệnh chỉ cần sau một lần tiêm thử.
Việc hít cocain cũng có thể gây nhiễm bệnh. Cocain gây co thắt mạch máu ở niêm mạc mũi, làm niêm mạc mũi bị rách và tạo ra các vết loét. Virus C có thể lan qua những vết thương này.
- Truyền máu và các sản phẩm của máu: Là đường lây chính của virus C trước năm 1992 (cứ 100 người được truyền máu thì có khoảng 10 người bị lây nhiễm). Hiện nay, nhờ có xét nghiệm phát hiện virus C ở người cho máu, nguy cơ nhiễm bệnh sau truyền máu đã giảm đi đáng kể.
- Lây nhiễm trong bệnh viện: Việc sử dụng những dụng cụ không được khử trùng đúng cách, như máy lọc thận cho bệnh nhân bị suy thận, máy nội soi đường tiêu hóa, dụng cụ chữa răng... có thể làm lây lan căn bệnh này.
- Truyền từ mẹ sang con: Thời điểm lây nhiễm là lúc chuyển dạ, khi máu của người mẹ và em bé hòa lẫn vào nhau. Nguy cơ lây nhiễm virus C từ mẹ sang con là 3%, thấp hơn virus B nhiều lần. Nguy cơ này sẽ tăng đến 20%-30% nếu mẹ bị nhiễm thêm HIV. Hiện không có bằng chứng cho thấy virus C có thể lây lan qua sữa mẹ.
- Truyền qua đường tình dục: Khả năng lây nhiễm virus C trong quan hệ vợ chồng tương đối thấp. Nhưng nguy cơ này sẽ gia tăng nếu quan hệ tình dục bừa bãi.
- Các đường lây truyền khác: Dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng, kim châm cứu, kim xăm mình, dụng cụ xỏ lỗ tai... với người bị nhiễm bệnh.
Có đến 20%-40% số người bị nhiễm virus C không tìm được nguồn lây rõ ràng.
Bạn có nhiều nguy cơ bị nhiễm virus C không?
Hãy xem xét những câu hỏi dưới đây. Nếu trả lời “có” cho một trong những câu hỏi đó thì bạn sẽ là người có nguy cơ bị nhiễm virus C cao:
- Bạn có phải là người bị chứng ưa chảy máu, hoặc có bất cứ chứng bệnh gì khác và đã được truyền máu vào thời điểm trước năm 1992 không?
- Bạn từng có những cuộc mổ xẻ lớn (ví dụ do chấn thương) trước năm 1992 và liệu có khả năng bạn đã quên rằng mình được truyền máu không?
- Bạn có bị suy thận và được lọc máu không?
- Bạn có đang chích heroin, hoặc từng chích heroin trong quá khứ (dù chỉ một lần) không?
- Bạn có chia sẻ mẩu thuốc hít cocain không?
- Bạn có được ghép các cơ quan nội tạng không?
- Mẹ bạn có bị nhiễm virus C không?
- Bạn có quan hệ tình dục với nhiều người mà không dùng biện pháp bảo vệ không?
- Nếu bạn là vợ hay chồng của người bị nhiễm siêu vi C, bạn có dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng, kìm cắt móng tay với họ không?
- Bạn có đi xăm mình, xỏ lỗ tai, châm cứu... ở những nơi mà điều kiện vô trùng kém không?
BS Đinh Dạ Lý Hương, Người Lao Động