Bệnh lao hạch
Xét nghiệm phát hiện lao hạch ở Hà Nội. |
Bệnh thường gặp ở vùng cổ, xuất hiện nhiều ở trẻ em. Các hạch viêm thông thường (do thương tổn răng, miệng, mũi... ) là nơi vi khuẩn lao dễ dàng xâm nhập, khu trú và dẫn đến lao hạch.
Đường xâm nhập của trực khuẩn lao có thể do nhiễm khuẩn lao toàn cơ thể (như trong lao phổi), gây viêm hạch nhiều chỗ. Trực khuẩn lao có thể xâm nhập trực tiếp vào đường bạch huyết qua thương tổn lao ở niêm mạc miệng, hoặc từ một tổn thương thông thường do sang chấn, nhiễm khuẩn. Trực khuẩn lao qua niêm mạc miệng đi vào đường bạch huyết (lao hạch tiên phát), có khi xâm nhập hệ thống bạch huyết qua niêm mạc miệng mà không để lại dấu vết gì.
Biểu hiện của bệnh
- Thể viêm hạch thông thường: Không viêm quanh hạch, thường ở vùng dưới hàm hay cạnh cổ có một hay nhiều hạch sưng to, cứng, không đau, di động dưới da. Có thể hạch chỉ dừng ở giai đoạn này hay chuyển sang giai đoạn viêm quanh hạch.
- Thể viêm hạch và viêm quanh hạch: Các hạch sưng to và tụ lại thành một khối, nhiều cục dính vào sâu và vào da do viêm quanh hạch. Lúc đầu hạch cứng, không đau, sau mềm và chuyển sáng. Da trở nên loét, rò chảy mủ màu xanh nhạt, không dính, trong mủ có bã đậu lổn nhổn. Lỗ rò có bờ tím, bong ra, có thể bội nhiễm gây viêm hạch lan tỏa. Sau khi khối tổ chức hạch đã bị loại trừ hết, lỗ rò khó để lại những sẹo lồi, sùi trắng hoặc những dây chằng xơ. Trong quá trình viêm hạch lao, nói chung sức khỏe bình thường trừ trường hợp bị bội nhiễm hay kèm theo tổn thương lao phổi, xương...
- Thể khối u: Là viêm hạch lao phì đại. Thể này ít gặp, khối u thường ở cổ, ít được chú ý, thấy một hay vài hạch nổi to, sau dính thành một khối không đau, di động, sờ chắc và không có viêm quanh hạch. Khối u to dần, có thể bằng quả cam, chiếm gần hết vùng bên cổ. Các hạch khác (dưới hàm, mang tai...) cũng bị phì đại. U ở một bên nhưng có khi cả hai bên làm cho cổ như bạnh ra.
Về điều trị, cần chú ý chăm sóc sức khỏe, nhất là đối với trẻ em, tránh để viêm hạch mạn tính tạo điều kiện cho trực khuẩn lao xâm nhập. Cần vệ sinh răng miệng, nhổ hoặc chữa răng sâu. Khi đã được chẩn đoán xác định là lao hạch, cần tuân thủ điều trị theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa lao, phối hợp với nâng đỡ thể trạng bằng chế độ ăn uống tốt, nghỉ ngơi hợp lý.
Có thể cắt bỏ hạch đối với trường hợp u lympho lao hạch, lao không thành mủ, khu trú, di động. Lao hạch ở trẻ em thường khỏi nếu được điều trị toàn thân, lý liệu pháp, giữ vệ sinh. Không nên cắt bỏ hạch sớm ở trẻ em vì hạch có vai trò bảo vệ chống sự xâm nhập của trực khuẩn lao.
Ở giai đoạn hạch áp xe lạnh sắp vỡ mủ, có thể hút mủ ra, dùng thuốc kháng sinh và tiếp tục dùng rimifon vài tháng dù không còn biểu hiện bệnh.
BS Võ Thu Nga, Sức Khỏe & Đời Sống