Bệnh dại vẫn là nỗi lo của nhiều người | ||
(VietNamNet) - Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm Việt Nam có gần nửa triệu người bị súc vật cắn phải đi tiêm phòng dại. Trước đây, số người chết do lên cơn dại khoảng 300-500 trường hợp/năm. Nguồn truyền bệnh dại chủ yếu do chó. Việt Nam có khoảng hơn 12 triệu con trong khi tỷ lệ chó được tiêm phòng chỉ dại chỉ đạt trên 40%. Mặc dù đã có thuốc chống dại nhưng số người chết vẫn cao, đặc biệt người dân chưa biết cách phòng chữa đúng cách. Những năm gần đây, số người bị súc vật cắn tuy đã giảm song vẫn cao, ảnh hưởng đến sức khỏe và tiền của nhân dân. Năm 2002 có 60 trường hợp tử vong. Bệnh dại gây tổn thất lớn về kinh tế. Năm 2002, có trên 630.000 người phải đi tiêm chủng. Nếu tính trung bình mỗi người đi tiêm phải cho phí 100.000 đồng thì số tiền phải chi lên tới 64 tỷ đồng, đó là chưa kể 60 trường hợp tử vong. 6 tháng đầu năm 2003, cả nước có 6 người chết do bị chó dại cắn. Vật vã, đau đớn, xùi bọp mép... là những biểu hiện của người lên cơn do bị súc vật dại cắn. Nhất là vào mùa hè, tình hình dịch bệnh càng tăng cao. Bệnh dại xảy ra ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, trong đó Đồng bằng sông Hồng và trung du Bắc Bộ phổ biến hơn cả. Bệnh dại do một loại virus hướng thần kinh từ chó, mèo, chuột mang mầm bệnh truyền sang cho người qua vết cắn, cào cấu hoặc do tiếp xúc trực tiếp với nước dãi từ con bệnh. Hiên nay, bệnh dại không có thuốc điều trị, khi đã lên cơn dại, nguy cơ tử vong là 100%. Ở Việt Nam, chó nhà nuôi là nguồn truyền dại cho người nhiều nhất (khoảng gần 97%). Trong nước dãi của súc vật bị bệnh dại mang virus dại truyền sang người qua vết cắn, vết cào, vết xước, rách trên da... Triệu chứng của bệnh biểu hiện ở 2 thể: thể điên cuồng và thể bại liệt. Thể điên cuồng: thời kỳ đầu vật nuôi có biểu hiện bứt rứt, hung dữ hoặc vui mừng. Sang thời kỳ kích thích, con vật chạy lung tung, hỗn loạn, có khi vồ bóng, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, gặp gì cũng cắn. Thể bại liệt: con vật nằm ì trong bóng tối, hàm trễ xuống, lưỡi thè ra, chảy nước dãi, liệt dần và chết. Theo TS. Đinh Kim Xuyến, Phó chủ nhiệm Thường trực dự án Phòng chống dại, Bộ Y tế, ''tất cả các tháng trong năm đều có thể mắc bệnh dại không trừ mùa hè. Nếu chẳng may bị chó cắn, người bệnh nên rửa vết thương nhiều lần bằng xà phòng đặc, rửa lại nhiều lần bằng nước sạch rồi dùng cồn sát trùng vết thương. Ngay sau đó, người bệnh cần đi tiêm phòng vaccine hoặc huyết thanh kháng dịch. Tuyệt đối không được xoa ớt, liếc dao lên vết thương hoặc uống các loại thuốc nam khác''. Đến nay, cả nước có 3 cơ sở sản xuất vaccine phòng dại đó là Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Vaccine Nha Trang, Viện Pasteur TP.HCM. Hiện Việt Nam đang sử dụng vaccine chống dại Fuenzalida sản xuất từ mô não động vật. Loại thuốc này không đắt lại đảm bảo về chất lượng và độ an toàn, có thể gây phản ứng phụ toàn thân hoặc tại chỗ tiêm. Bên cạnh sử dụng vaccine chống dại, một số trường hợp cần kết hợp với huyết thanh nếu khi cắn người, súc vật đã có biểu hiện dại, vết cắn gần thần kinh trung ương, bộ phận sinh dục... Mục đích của việc sử dụng huyết thanh kháng dại là tăng hiệu quả tiêm vaccine dại. Trong trường hợp bị súc vật cắn nặng, vết cắn gần thần kinh trung ương, thời gian ủ bệnh ngắn (7-35 ngày) huyết thanh kháng dại có tác dụng kéo dài thời gian ủ bệnh để có đủ thời gian sản sinh ra kháng thể chủ động do tiêm vaccine; dùng huyết thanh càng sớm càng có hiệu quả cao. Nếu chỉ tiêm huyết thanh thì không phòng được bệnh dại. Tiêm phối hợp với huyết thanh kháng dại và vaccine phòng dại sẽ ngăn chặn bệnh dại đạt hiệu quả cao.
|