BỆNH THỦY ĐẬU - ĐÃ CÓ VACCIN PHÒNG NGỪA
PGS. PTS LÊ VĂN HIỆP
Viện Vaccin
Mặc dù người ta đã phát hiện virus gây bệnh thủy đậu ở người từ rất lâu rồi
(Aragao - E.Paschen, 1911) nhưng với nguy cơ lây nhiễm cao căn bệnh này vẫn còn
gây tác hại không nhỏ cho cộng đồng. Mặt khác đây còn là một bệnh hiện nay nhiều
người dân vẫn còn xem nhẹ do chưa hiểu hết mức độ nguy hiểm của nó
? Nguyên nhân
Tác nhân gây bệnh là virus ecpec 3 (alpha) của người, trong dân gian phía Bắc
thường gọi bệnh này là phỏng rạ, phía Nam gọi là trái rạ. Virus này còn là
nguyên nhân gây bệnh Zona (giời leo) ở người lớn có thể gây biến chứng dẫn đến
tử vong. Virus lưu hành trên toàn thế giới (90% trẻ dưới 15 tuổi bị thủy đậu,
95% người đến tuổi thành niên đã từng bị mắc bệnh) do lây truyền qua đường tiếp
xúc. Ở Việt Nam bệnh thường xảy ra từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm, dịch thường
có chu kỳ 2-3 năm.
? Tác hại
Hàng năm 4 triệu trường hợp mắc thủy đậu ở Mỹ, 10.000 trường hợp phải vào
bệnh viện. Bệnh gây tử vong ở mỹ 2 trên 100.000 trường hợp mắc ở trẻ nhỏ nhưng
nếu ở người lớn có thể là 30. Các hình thái bệnh ở trẻ nhỏ không nguy hiểm bằng
khi nó gây cho người lớn chưa được miễn nhiễm hoặc ở thể thứ phát (bệnh giời
leo) có biến chứng. Phụ nữ mang thai bị mắc thủy đậu sẽ gây quái thai, thai nhi
thiếu cân, dị tật và tử vong (1/14 nguy cơ và có thể tới 25% thai chết lưu, sảy
thai hoặc sinh non). Nếu bà mẹ miễn nhiễm virus trễ hơn ở thai kỳ, trẻ sơ sinh
có thể mắc thủy đậu sơ sinh (30% trong số này sẽ tử vong vì thủy đậu lan tỏa và
biến chứng, 0,4% trường hợp tử vong năm đầu sau sinh và 0,02% các năm sau).
? Đặc điểm lâm sàng
Bệnh xảy ra sau 14-16 ngày tiếp xúc với người bệnh, thời kỳ ủ bệnh 10-21
ngày. Triệu chứng ban đầu sốt nhẹ, mệt mỏi, biếng ăn, nhức đầu như một số bệnh
nhiễm virus cấp khác. Hai, ba ngày sau triệu chứng trên các nốt đậu mọc ra và
bệnh nhân sốt cao (có khi tới 41oC) kéo dài 2-4 ngày sau nổi mụn. Mụn
thủy đậu khác đậu mùa ở chỗ có một ngăn nên dễ xẹp khi thủng và thường không để
lại sẹo (trừ khi do bội nhiễm do vi khuẩn khác gây ra). Trái với nốt đậum thủy
đậu mọc ở chỗ kín trước (thường ở hố nách, niêm mạc miệng, vùng bẹn và da đầu).
Mụn thủy đậu mọc không cùng lúc số lượng trung bình trên mỗi trẻ là 300 nốt (có
khi nhiều tới 1.500 nốt khi nhiễm nặng ở trẻ có sức miễn dịch bẩm sinh kém).
Người lớn nếu mắc mụn thủy đậy gây tổn thương sâu hơn, nguy cơ biến chứng lớn
hơn 10-25 lần so với trẻ nhỏ.
? Các biến chứng
Bệnh nhẹ ở trẻ nhỏ nhưng nguy hiểm đến tính mạng khi bị biến chứng. Thường
gặp nhất là bội nhiễm ngoài da do vi khuẩn khác (tụ cầu, liên cầu) gây viêm tế
bào, viêm hạch áp xe dưới da, hoại tử và có thể để lại sẹo trên mặt. Ở người lớn
nếu mắc dễ biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi gây tử vong lớn nhất (7% số
người mắc). Các biến chứng khác như viêm não, viêm khớp tủy xương, xuất huyết
nội tạng thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi và người trưởng thành.
Điều phiền toái nhất do virus thủy đậu gây ra là bệnh Zona (giời leo) ở người
lớn do nhiễm virus từ trước, bị tái phát khi trưởng thành. Nốt phỏng của bệnh
Zona khu trú dọc theo vùng da đầu dây thần kinh cảm giác ở một phía vùng ngực
trái hoặc phải (không khi nào cả hai phía). Nốt phỏng giời leo gây triệu chứng
đau rát đến không chịu nổi cho người bệnh. Điều đáng lưu ý trong việc chữa bệnh
này bằng thuốc tây y và Đông y cho tới nay đều không trị được căn nguyên bệnh mà
chỉ để giảm đau, giảm sốt (Tây y) và mát da dịu đau (Đông y với đậu xanh nhai
nát). Bệnh Zona với các biến chứng viêm phổi, viêm não, viêm thận và nội quan có
thể dẫn đến tử vong.
? Vaccin phòng ngừa
62 năm sau khi phát hiện virus gây bệnh người ta mới phát triển thành công
một loại vaccin sống giảm độc lực dùng chủng OKA của Nhật (tác giả công trình là
Michel Takahshi). Các nghiên cứu thực địa tiêm chủng đã được tiến hành suốt 24
năm qua tại Nhật, Châu Âu và Mỹ. Bốn công ty hàng đầu trên thế giới là Biken,
SmithKline Beecham, Merck and Co., Pasteur. Merieux đã sản xuất thành công
vaccin này. Trong số đó vaccin của SmithKline Beecham đã có mặt tại Việt Nam từ
tháng 8/1998 mang visa của Bộ Y tế VNDP 031-0798 với tên thương mại là Varilrix.
V đã được thử nghiệm trên 10.000 nguồn gốc khỏe mạnh cho thấy vaccin có hiệu
quả chuyển đổi huyết thanh 95% sau một liều tiêm. Vaccin được dung nạp tốt, ít,
phản ứng phụ (5% có ban sẩn với số lượng ít khoảng 10-50 nốt). Thời gian có hiệu
lực ít nhất 10 năm tương đương miễn dịch do nhiễm trùng tự nhiên. Ở Mỹ vaccin
cũng đã đã được phép lưu hành với hiệu quả bảo vệ 70-90% trong thời gian 3-6
năm, các trường hợp đã tiêm mà vẫn mắc thì cũng nhẹ (khoảng 50% bị 50 nốt ban
sẩn). Liều miễn dịch cơ bản một mũi duy nhất cho trẻ 12 tháng đến 12 tuổi, tiêm
dưới da 0,5ml. Người lớn và trẻ từ 13 tuổi trở lên phải tiêm 2 mũi cách 6-10
tuần có thể đạt hiệu quả bảo vệ 100%. Varilrix hiện nay ở dạng đông khô dễ lưu
hành bảo quản tương lai nó sẽ được phối hợp với một số vaccin khác tạo hiệu quả
đa năng một mũi tiêm phòng nhiều bệnh như Thủy đậu + Sởi + Phong chẩn (Rubella)
và Quai bị.