Chăm sóc bệnh nhân sốt rét
Người bị sốt rét phải được theo dõi chặt chẽ về nhiệt độ, mạch, huyết áp, tình trạng mất nước và toàn trạng. Khi sốt cao, người bệnh cần nằm cố định ở giường, không được tự ngồi dậy và đi lại vì rất dễ ngã, gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Việc điều trị bệnh nhân sốt rét (BNSR) cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Phát hiện và điều trị thật sớm bệnh sốt rét.
- Chọn thuốc và liều lượng tùy thuộc vào loại ký sinh trùng sốt rét, trọng lượng cơ thể, thể trạng, mức độ miễn dịch đối với bệnh.
- Dùng thuốc sốt rét phải đúng phác đồ, đủ liều, đủ ngày.
- Phải điều trị toàn diện, coi trọng chữa đặc hiệu với chữa triệu chứng và nuôi dưỡng người bệnh.
- Quản lý ca bệnh sau điều trị.
Một số lưu ý:
Cần đôn đốc và kiểm tra việc dùng thuốc của bệnh nhân cho đúng phác đồ (đủ liều, đủ ngày, đúng khoảng cách). BNSR khi uống thuốc rất dễ bị nôn, khi đó phải uống lại cho đủ liều. Trẻ em uống thuốc khó khăn có thể dùng dạng viên đạn đặt hậu môn.
BNSR cần được theo dõi để phát hiện sớm các triệu chứng dự báo sốt rét ác tính như: đang sốt cơn chuyển sang sốt liên tục hoặc dao động, chồng cơn, đôi lúc lú lẫn thoáng qua, mất ngủ trắng đêm, vã mồ hôi thành giọt, có lúc đái dầm (tuy chưa hôn mê), nôn nhiều, tiêu lỏng, li bì hoặc kích thích...
Phải để ý phát hiện các triệu chứng ngoại ý (tác dụng phụ) của thuốc như: ban, dị ứng, đái huyết cầu tố (nước tiểu màu hung đỏ)...
BNSR cần được cho ăn đảm bảo đủ calo ngay từ ngày đầu, tốt nhất là ăn lỏng (cháo, sữa...) khi sốt cao và ăn đặc (cơm) khi đã hạ sốt. Cho uống nhiều nước (nước sôi để nguội, nước hoa quả, nước cháo...). Đối với trẻ em đang bú, phải tiếp tục cho bú...
Khi bệnh nhân ăn uống kém, cần bổ sung năng lượng và dịch thể bằng đường truyền tĩnh mạch.
Tình trạng sốt cao (trên 39 độ C) dễ gây kích thích, vật vã, mê sảng, nôn, trẻ dễ bị co giật. Cần hạ sốt bằng các biện pháp như cởi nới bớt quần áo, để bệnh nhân nằm nơi thoáng mát, lau người bằng khăn ấm... Khi sốt quá cao (trên 40 độ C), có thể dùng paracetamol (uống hoặc viên đạn đặt hậu môn). Không nên dùng các thuốc hạ sốt có aspirin.
BNSR rất dễ bị thiếu máu, nhất là những người sốt dai dẳng, phụ nữ có thai và trẻ em. Thiếu máu ở BNSR thường là thiếu máu nhược sắc (giảm hồng cầu và huyết cầu tố) do vỡ hồng cầu, rối loạn chuyển hóa sắt và thiểu dưỡng. Do vậy, ngoài vấn đề nuôi dưỡng tốt, BNSR cần được bổ sung sắt và các nguyên tố vi lượng (bằng ăn uống hoặc thuốc), tăng cường các vitamin, nhất là vitamin A, kẽm (giúp chuyển hóa sắt) và axit folic. Khi thiếu máu nặng, cần được truyền máu cùng nhóm.
TS Nguyễn Hoàng Tuấn, Sức Khoẻ & Đời Sống