HIV/AIDS: VẤN ÐỀ CHẨN ÐOÁN & THAM VẤN
Tác giả : BS. NGUYỄN VĂN TUẤN (Sydney - Australia)
BA TRƯỜNG HỢP TIÊU BIỂU
Trường hợp thứ nhất: Betty là một góa phụ 45 tuổi có 3 con ở bang Florida (Mỹ). Một hôm vào tháng 11/1990, Betty nhận được điện thoại từ văn phòng y tế địa phương yêu cầu chị đến trụ sở văn phòng, nơi chị từng đến khám tuyến giáp và thử máu. Khi chị ghé, bác sĩ cho biết rằng chị đã bị bệnh AIDS và không chắc sẽ sống được bao lâu. Sau hung tin đó là những chuỗi ngày buồn rầu và lo lắng. Betty xem ti-vi liên tục để cố xua khỏi tâm trí căn bệnh đáng sợ này. Nhưng oái oăm thay, nó cứ đeo đuổi mãi với những hình ảnh chị sẽ mặc áo gì khi chết? Con cái sống ra sao khi chị qua đời và bạn bè sẽ nhìn chúng như thế nào?
Năm 1992, bác sĩ cho chị dùng thuốc Didanosine (một loại thuốc kháng HIV). Biến chứng của thuốc làm Betty bị ói mửa, mệt mỏi thường xuyên cùng một số vấn đề khác. Khi tham gia vào hội những người bị bệnh AIDS ở địa phương, người cố vấn ở đây nhận thấy hàm lượng tế bào T của chị khá cao. Họ đề nghị chị đi tái khám. Tháng 11/1992, Betty lại nhận được điện thoại từ sở y tế địa phương yêu cầu chị ghé văn phòng sớm. Lần này, chị được cho biết kết quả thử nghiệm HIV là âm tính (Tức có thể không bị AIDS).
Thế là Betty khởi kiện bác sĩ, Trung tâm thử nghiệm HIV và Sở Y tế Florida. Bồi thẩm đoàn đã quyết định bồi thường cho Betty 600.000 USD về những gì chị đã phải trải qua suốt hai năm trời với một bản án y khoa không có thật.
Trường hợp thứ hai: Susan là một phụ nữ độc thân 26 tuổi, từng dùng á phiện. Trong lần khám sức khỏe định kỳ tại một bệnh viện ở bang Virginia vào giữa thập niên 1990, bác sĩ yêu cầu thử nghiệm xem cô có bị nhiễm virus HIV hay không? Vài tuần sau, kết quả thử nghiệm là dương tính, nghĩa là cô đã bị nhiễm HIV. Dĩ nhiên, khi nhận hung tin này, Susan rất buồn rầu, chán chường và thậm chí còn muốn tự tử. Khi bạn bè biết cô bị nhiễm HIV, tất cả đều xa lánh, có người còn không dám đụng đến điện thoại mà cô từng dùng. Rồi Susan bị đuổi việc. Sau đó, cô đến sống trong một chung cư dành cho những người bị bệnh AIDS hoặc nhiễm HIV. Thời gian ở đây, Susan có quan hệ tình dục nhiều lần với những người bị nhiễm HIV vì cô cho rằng chẳng còn gì để mất. Vài tháng sau, Susan bị bệnh viêm cuống phổi và bác sĩ điều trị yêu cầu cô thử nghiệm HIV. Lần này, thật bất ngờ, kết quả xét nghiệm lại là âm tính, rồi lần thứ ba, vẫn âm tính. Như vậy, Susan không hề bị nhiễm HIV và kết quả thử nghiệm đầu tiên ở bệnh viện là sai. Khi truy tầm nguyên nhân, người ta phát hiện rằng khi các thông tin của Susan được nhập vào máy tính, nhân viên bệnh viện đã vô tình nhầm lẫn mẫu máu của cô với một người bị nhiễm HIV. Sự nhầm lẫn tai hại này khiến Susan phải sống trong đọa đày, chán chường hơn 10 tháng trời, làm đảo lộn và thay đổi tất cả cuộc sống của cô. Susan quyết định khởi kiện bệnh viện và bác sĩ. Sau khi xét xử, tòa buộc phải bồi thường cho cô một số tiền khá lớn, đủ để Susan mua một căn nhà và làm lại cuộc đời.
Trường hợp thứ ba: Lá thư sau đây do một người tên là David viết cho bà Ann Landers, đăng trên tờ Chicago Tribune số ra ngày 5/3/1993 dưới tựa đề "A false HIV test caused 18 months of hell" (tạm dịch: Một trường hợp thử nghiệm HIV sai, là lý do của 18 tháng đọa đày).
Thưa bà Lander,
Tháng 3 năm 1991, tôi khám bệnh ở một trung tâm y tế địa phương và xét nghiệm HIV. Hai tuần sau, tôi được cho biết kết quả xét nghiệm là dương tính. Tôi kinh hoàng và đau khổ. Lúc đó, tôi chỉ mới 20 tuổi và cảm thấy thế giới trước mắt toàn một màu đen. Tôi trở nên chán nản, tinh thần suy nhược và tìm cách tự tử. Nhưng sau khi được gia đình và bạn bè khuyên nhủ, tôi quyết định đấu tranh chống trả bản án y khoa này. Bác sĩ bảo rằng ở California có một trung tâm chăm sóc bệnh nhân AIDS rất tốt, thế là tôi khăn gói lên đường. Phải mất gần 3 tháng tôi mới tìm được một bác sĩ tin tưởng. Trước khi chữa trị, bác sĩ kiên quyết yêu cầu tôi phải tái xét nghiệm HIV. Bà thử tưởng tượng xem: kết quả tái khám là âm tính, tức tôi không bị AIDS! Bác sĩ cho khám nghiệm một lần nữa, và kết quả vẫn âm tính.
Tôi cảm thấy an ủi là mình không bị căn bệnh quái ác đó, nhưng thời gian 18 tháng sau lần khám đầu tiên đã làm cuộc đời tôi thay đổi vĩnh viễn. Tôi mong muốn các bác sĩ nên hết sức cẩn thận, đồng thời các bệnh nhân muốn chắc chắn trong vấn đề chẩn đoán, cần phải tham vấn thêm một bác sĩ khác. Tôi sẽ tiếp tục khám nghiệm HIV mỗi 6 tháng, nhưng hiện không còn khiếp sợ như trước nữa.
David.
Và sau đây là thư trả lời của bà Ann Lander:
David thân mến,
Câu chuyện của bạn có một hồi kết tốt đẹp, nhưng bạn không nên đổ lỗi cho bác sĩ. Phòng xét nghiệm mới là nơi cần chấn chỉnh. Bài học chúng ta cần rút ra là phải tham vấn thêm một bác sĩ thứ hai và thậm chí một bác sĩ thứ ba. Ðừng bao giờ tin tưởng vào kết quả của một xét nghiệm duy nhất. Ðừng bao giờ.
Ann Lander
Một kết quả thử nghiệm HIV dương tính (hay âm tính) có nghĩa gì? Bác sĩ và các nhân viên cố vấn phải khuyên bảo bệnh nhân thế nào để họ có thể hiểu kết quả xét nghiệm? Bài viết này sẽ trả lời những câu hỏi đó. Nhưng trước hết, chúng ta cần xem xét một cách kỹ lưỡng phương pháp thử nghiệm HIV, tìm hiểu về căn bệnh này và những hệ lụy xã hội kèm theo nó.
HIV VÀ AIDS
Khi nào thì một kết quả thử nghiệm được xem là dương tính?
Thử nghiệm HIV thường được tiến hành theo các bước tuần tự sau đây. Trước hết là thử bằng phương pháp ELISA (Enzyme Linked Immunoabsorbent Assay) để phát hiện kháng thể chống lại HIV trong mẫu máu. Nếu kết quả thử nghiệm là âm tính, bệnh nhân sẽ được báo cho biết là không nhiễm HIV. Nếu kết quả là dương tính, thì tối thiểu một thử nghiệm ELISA (của một hãng sản xuất khác) phải được tiến hành trong cùng mẫu máu. Khi kết quả vẫn là dương tính, phải tiến hành một phương pháp thử nghiệm khác có tên Western blot. Western blot là một phương pháp phân tích tốn kém và mất nhiều thời gian so với ELISA. Nếu kết quả thử nghiệm bằng Western blot vẫn là dương tính, bệnh nhân sẽ được báo là đã nhiễm HIV. Trong một số trường hợp, các nhà khoa học cần thêm một mẫu máu thứ hai để thử nghiệm bằng Western blot trước khi thông báo "kết quả sau cùng" cho bệnh nhân. Ðó là quy trình chung về thử nghiệm HIV. Một vài nước có thể tiến hành các bước khác với quy trình trên chút ít, nhưng nguyên lý thì giống nhau.
AIDS (Acquired Immune Deficiency Syndrome) được định nghĩa là hội chứng mất khả năng đáp ứng miễn dịch của tế bào trung gian do tình trạng giảm số lượng của một vài tế bào lympho T. Không giống các bệnh khác, AIDS không biểu hiện một triệu chứng bất biến hay cụ thể nào. Một khi hệ thống miễn nhiễm bắt đầu có vấn đề, hàng loạt các biến chứng sẽ xảy ra và làm cơ thể dễ bị nhiễm trùng (có 26 loại nhiễm trùng khác nhau). Nếu một bệnh nhân có kết quả thử nghiệm HIV dương tính và bị một trong số 26 nhiễm trùng này, họ sẽ được chẩn đoán là bị AIDS. Do đó, AIDS là giai đoạn cuối cùng của nhiễm trùng do HIV gây ra. HIV là một loại "retrovirus", tức là loại virus có chứa RNA có thể cấy các chất liệu di truyền vào tế bào của con người và ở đó vĩnh viễn. Có hai loại HIV: (a) Loại HIV-1 được phát hiện vào năm 1983 là nguyên nhân chính của bệnh AIDS trên thế giới hiện nay; (b) Loại HIV-2 được phát hiện vào năm 1987 ở các phụ nữ sống tại các nước Tây châu Phi. HIV-2 rất hiếm thấy ở Mỹ, châu Âu và có vẻ không nguy hiểm như HIV-1 vì chúng tái sản sinh một cách chậm chạp.
Hiện nay y khoa chưa có phương pháp chữa trị AIDS. Vấn đề tìm kiếm một phương pháp chữa AIDS có thể minh họa và so sánh với căn bệnh giang mai vào những năm đầu thế kỷ 20. Thời đó, bệnh giang mai cũng được thế giới quan tâm đặc biệt. Cuối cùng giang mai cũng được đẩy lùi - nhưng không phải bằng cách thay đổi thái độ và thực hành tình dục - mà bằng việc khám phá Penicillin, một loại thuốc vừa rẻ vừa có hiệu quả cực kỳ cao.
Ðiều khác biệt quan trọng giữa giang mai và AIDS là vi khuẩn gây bệnh. Khi HIV tự tái sinh, chúng tái sinh rất nhiều HIV mới, đến nỗi khi một bệnh nhân được chẩn đoán có AIDS thì trong cơ thể đã có hàng tỷ HIV. Một số thay đổi hay đột biến làm cho HIV yếu đi và dễ bị hệ thống miễn nhiễm tấn công; Nhưng một số khác lại khiến HIV mạnh lên, làm chúng có khả năng trốn tránh hệ thống miễn nhiễm. Sự tiến hóa theo mô hình Darwin này của virus làm hệ thống miễn nhiễm thiếu khả năng nhận dạng và phản ứng; Theo thời gian chúng có khả năng đề kháng cao chống lại thuốc. Tính trung bình, thời gian "âm ỉ" từ lúc bị nhiễm HIV đến khi có bệnh AIDS là 12 năm; Tuy nhiên đây không phải là một thời gian âm ỉ thật sự vì sự chống trả giữa HIV và hệ thống miễn nhiễm xảy ra liên tục, dù phần thắng có vẻ nghiêng về HIV.
Tuy chưa có phương pháp chữa trị AIDS, nhưng các công trình nghiên cứu đã mở ra nhiều hy vọng. Những thuốc can thiệp vào khả năng (hay nói đúng hơn là ngăn chặn sự tái sinh của virus đã được phát triển). Do virus có khả năng đề kháng những thuốc này nên một phương án chữa trị được đề ra là dùng nhiều thuốc cùng lúc, còn gọi một cách ví von là phương pháp "trị liệu cocktail". Phương pháp này (như dùng thuốc Didanosine và Zidovudine) có thể duy trì cuộc sống bệnh nhân trong một thời gian nhưng vẫn không chữa dứt được bệnh. Tuy nhiên phương pháp "cocktail" tương đối đắt tiền, thường gây ra một số phản ứng phụ và biến chứng cho bệnh nhân, như đau, nóng bừng, rụng tóc và lá lách bị phình ra một cách nguy hiểm.
Ðối với những người có nguy cơ bị AIDS hay HIV cao, thử nghiệm HIV đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý bệnh. Dù khả năng chữa khỏi rất hạn chế, nhưng phát hiện nhiễm HIV sớm có thể ngăn ngừa tỷ lệ người mắc bệnh. Không giống như trường hợp của ung thư vú hay ung thư tuyến tiền liệt (mà thử nghiệm không ngăn chặn được căn bệnh), thử nghiệm HIV có thể ngăn ngừa bệnh bộc phát và làm giảm tỷ lệ tử vong, vì HIV có thể lây truyền từ người này sang người khác. Nếu được phát hiện sớm, người bị nhiễm nên khai báo tình trạng bệnh tật của họ với vợ hay chồng hoặc người mà họ có quan hệ tình dục để phòng ngừa sự lây lan.
Chú thích ảnh: Hình ảnh virus HIV đang xâm nhập vào tế bào người.