Phương pháp mới phát hiện virus Dengue gây sốt xuất huyết
Bác sĩ Phạm Hùng Vân đang sử dụng máy PCR. Ảnh: Lê Thanh |
Trước tình hình dịch đang lan rộng ở các tỉnh ĐBSCL, hôm nay nhiều nhà khoa học và chuyên gia đã tham dự Hội nghị sốt xuất huyết tại TP HCM. Những nghiên cứu mới nhất về thử nghiệm vius Dengue, tác nhân chính gây dịch đã được công bố trên cả 3 phương diện lâm sàng, dịch tễ và chẩn đoán sinh học phân tử.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Bảo, Chủ nhiệm bộ môn Vi sinh khoa Y, Đại học Y dược TP HCM, từ đầu năm đến nay, nhận dạng loại tác nhân chính gây dịch sốt xuất huyết là virus Dengue 2 nên nguy cơ dịch sẽ lớn hơn so với Dengue 1, 3 và 4. Minh chứng tình hình dịch tỉnh Long An cho thấy, năm 2001, tỷ lệ virus Dengue 2 chỉ là 25%, nhưng đến 2003 đã là 70%, do đó, số ca mắc 6 tháng đầu năm tăng 2-3 lần so với trung bình của 5 năm gần đây.
Về mức độ nguy hiểm của loại virus này, bác sĩ Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng khoa xét nghiệm Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ, cho biết, triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết Dengue rất khó phân biệt với các sốt siêu vi khác nên nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh nhân rất dễ tử vong.
Phương pháp phổ biến được sử dụng phát hiện kháng thể IgM đặc hiệu virus Dengue dựa trên kỹ thuật ELISA (Enzyme Linked Immuno Sorbent Assay: Miễn dịch hấp thụ gắn men). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cách này có những bất tiện khó khắc phục: độ nhạy không cao trong những ngày đầu của bệnh (36% ngày 3 và 4, 65% ngày 6 và 95% sau ngày 7). Hơn nữa, việc thực hiện rất phức tạp, tốn thời gian, khó hữu dụng lâm sàng, đặc biệt là không cho biết loại virus gây bệnh hiện hành nếu không nuôi cấy. Thế nhưng, định loại Dengue bằng nuôi cấy như hiện nay hiệu quả cũng không cao do độ nhạy thấp (9%), chỉ thực hiện được tại phòng thí nghiệm chuẩn mực như của Viện Pasteur, không thể trực tuyến do chỉ có giá trị hồi cứu.
Do đó, nhiều chuyên gia đã khuyến nghị các bệnh viện chọn phương pháp thử nghiệm mới sử dụng kỹ thuật RT- PCR (Polymerase Chain Reaction - Phản ứng chuỗi Polymer) như chìa khóa hữu hiệu phát hiện và định type Dengue trực tiếp từ huyết thanh bệnh nhân sốt xuất huyết. Phương án mới cho phép phát hiện dương tính ngay 1 hoặc 2 ngày đầu, độ nhạy cảm chuyên biệt cao, có thể sử dụng rộng rãi và chi phí đầu tư trang thiết bị và khám không đáng kể.
Hiện nay, bộ thử nghiệm mới nhất ứng dụng kỹ thuật RT- PCR là của nhóm nghiên cứu do bác sĩ Phạm Hùng Vân Công ty Nam Khoa, TP HCM phụ trách. Đánh giá về hiệu quả của nghiên cứu mới này, bác sĩ Thịnh nói: "So sánh với bộ thử nghiệm Pambio phát hiện IgM đặc hiệu Dengue, bộ thử nghiệm RT- PCR mới hoàn toàn vượt trội hơn về khả năng phát hiện sốt xuất huyết Dengue ngay trong ngày đầu của bệnh, cả khi bệnh nhân chưa có biến đổi về số lượng tiểu cầu".
Nếu được sử dụng rộng rãi, kỹ thuật này còn có giá trị dịch tễ lâm sàng là giúp các nhà quản lý y tế phát hiện trực tuyến loại virus Dengue gây bệnh hiện hành mà không cần phải dựa vào các khảo sát hồi cứu như trước đây.
Lê Thanh