Lao kê - căn bệnh nặng có tỷ lệ tử vong cao
Đây là một thể lao gây bệnh theo đường máu, bao giờ cũng rất nặng; thậm chí gây thương tổn cho toàn bộ cơ thể. Bệnh thường xuất hiện khi cơ thể suy giảm sức chống đỡ như suy dinh dưỡng, suy kiệt, tiểu đường, có thai, nhiễm HIV/AIDS...
Lao sơ nhiễm, lao phổi... nếu phát hiện và điều trị chậm trễ thì các tổn thương có thể vỡ vào mạch máu. Vi khuẩn lao xâm nhập vào máu ồ ạt, dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, gây tổn thương lan tràn ở nhiều cơ quan (như hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, thần kinh) dưới dạng nốt nhỏ như hạt kê.
Lao kê có thể gặp ở trẻ em và người lớn. Lao kê ở trẻ em thường liên quan đến quá trình nhiễm lao và được coi là một biến chứng của bệnh lao sơ nhiễm. Trẻ mắc bệnh có các triệu chứng: sốt cao dao động, ho khan, khó thở, tím môi và đầu chi, có các triệu chứng não, màng não (80% ca lao kê ở trẻ em có tổn thương ở màng não). Lao kê ở người lớn có 2 thái cực: "nóng" (sốt cao, ho khan, khó thở) hoặc "lạnh" (các triệu chứng nghèo nàn, kín đáo, chỉ phát hiện khi chụp phổi).
Để chẩn đoán lao kê, trước tiên phải chụp phổi. Trên phim phổi cho thấy tổn thương hạt, nốt với tính chất điển hình là 3 đều: đều về kích thước, đều về độ cản quang và đều về sự phân bố. Để khẳng định bệnh, cần làm thêm các xét nghiệm khác mà trước tiên là tìm vi khuẩn lao.
Trong điều trị lao kê, quan trọng nhất vẫn là sử dụng thuốc chống lao. Có thể chỉ định ngay các phác đồ có 4, 5 loại thuốc. Chọn những thuốc có tác dụng diệt khuẩn tốt như: rifampicin, isoniazid...
Corticoid được xem là một loại thuốc hạn chế được những tổn thương nặng nề ở phổi và các cơ quan khác, nhất là ở màng não. Việc chống suy hô hấp do tổn thương ở phổi và chăm sóc khi người bệnh hôn mê, khi có tổn thương ở màng não... là rất quan trọng.
Lao kê là một bệnh lao đường máu nên rất nặng. Khi có tổn thương ở nhiều bộ phận, nếu không được điều trị tốt và chăm sóc cẩn thận, tỷ lệ người bệnh tử vong rất cao.
BS Nguyễn Xuân Nghiêm, Sức Khỏe & Đời Sống