TỰ BẢO VỆ & PHÒNG CHỐNG VIRUS CÚM
Tác giả : TS. DS. NGUYỄN HỮU ÐỨC (Ðại học Y Dược - TPHCM)
Nước ta đang phải đối phó với dịch cúm gà. Ðây là một bệnh truyền nhiễm do virus cúm type A phân type H5N1 thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra. Song song với dịch cúm gà, bệnh cúm A gây hội chứng viêm phổi cấp ở người lại được xác nhận có ở 57 tỉnh thành trong cả nước. Ðiều mà nhiều người lo ngại là liệu có sự liên quan giữa cúm người và cúm gà? Hoặc cúm người đã bị lây từ cúm gà, hoặc nếu không khống chế tốt, virus cúm gà H5N1 vào cơ thể người sẽ đồng nhiễm với virus cúm A của người, từ đó tái tổ hợp với virus cúm A của người tạo nên loại virus mới nguy hiểm và có độ lây lan ghê gớm hơn?
ÐẶC ÐIỂM CỦA VIRUS CÚM
Virus còn được gọi là siêu vi (hay siêu vi khuẩn) bởi vì chúng nhỏ hơn rất nhiều so với vi khuẩn. Vi khuẩn có thể quan sát bằng kính hiển vi thông thường, còn virus phải xem bằng kính hiển vi điện tử mới thấy. Virus là loài vi sinh vật bắt buộc phải sống bên trong tế bào của sinh vật mà chúng xâm nhiễm. Cấu trúc hình hài của virus rất đơn giản, chỉ gồm lõi là bộ gen là acid nucleic (là DNA hoặc RNA, như virus cúm có bộ gen là RNA gồm 8 mảnh rời nhau) và bao quanh bộ gen là lớp vỏ protein. Lớp vỏ protein chứa nhiều kháng nguyên giúp virus gây bệnh, đồng thời nhờ các phương pháp xét nghiệm tìm các kháng nguyên này mà các nhà khoa học nhận diện được virus thuộc loại nào. Như lớp vỏ protein của virus cúm gà có mang 2 kháng nguyên chính là H (viết tắt của Haemagglutinin) và N (viết tắt Neuraminidase). Virus cúm gà đang gây bệnh ở nước ta hiện nay cũng như ở nhiều nước thuộc vùng châu Á là virus cúm H5N1 có độc lực rất cao. Hai kháng nguyên H và N có vai trò quan trọng giúp virus lây nhiễm và gây bệnh: H giúp virus bám dính vào tế bào ký chủ để xâm nhập vào bên trong tế bào, còn N giúp virus sau khi được nhân lên trong tế bào sẽ thoát ra khỏi tế bào đã nhiễm lây lan sang tế bào lành khác.
Chu trình xâm nhiễm và nhân lên của virus trong tế bào gồm nhiều giai đoạn:
1. Sự hấp thu, bám dính và hòa nhập virus vào bên trong tế bào bị nhiễm.
2. Dựa vào sự tổng hợp protein, DNA, RNA của tế bào ký chủ, virus tổng hợp các protein, DNA hoặc RNA mà nó cần (như virus cúm tổng hợp RNA là lõi bộ gen của nó).
3. Cũng trong tế bào ký chủ, virus nhân lên các protein, DNA hoặc RNA để tạo nguyên liệu hình thành nên nhiều virus mới (gọi là sự sao chép của virus).
4. Các virus mới trưởng thành được phóng thích khỏi tế bào đã nhiễm để xâm nhập các tế bào mới.
TỰ BẢO VỆ VÀ PHÒNG CHỐNG SỰ LÂY NHIỄM
Một trong những cách phòng chống bệnh nhiễm do virus là dùng thuốc kháng virus
Thuốc kháng virus có tác dụng chống sự xâm nhập của virus vào trong tế bào nhạy cảm và ức chế sự sao chép của virus. Các thuốc kháng virus tác động trên một hoặc nhiều giai đoạn đã kể ở trên. Như trong "Phác đồ chẩn đoán, xử trí và phòng lây nhiễm viêm hô hấp cấp nặng do virus cúm" (do Bộ Y tế nước ta ban hành ngày 19/1/2004), các thuốc kháng virus và trị virus cúm gồm có:
- Amantadine: Thuốc có tác dụng ở giai đoạn 1, tức là ức chế sự hấp thu, hòa nhập virus vào bên trong tế bào ký chủ. Thuốc có thể gây một số tác dụng phụ như bồn chồn lo lắng, chóng mặt, mất ngủ...
- Ribavirin: Thuốc có tác dụng ở giai đoạn 2, tức là ngăn cản virus cúm tổng hợp RNA của nó, từ đó ức chế sự sao chép của nó bên trong tế bào. Ngoài thuốc viên, Ribavirin còn được dùng ở dạng khí dung (bơm xịt vào đường hô hấp).
- Oseltamivir (Biệt dược Tamiflu): Thuốc có tác dụng ở giai đoạn cuối, tức là ngăn không cho các virus sao chép trưởng thành và phóng thích ra khỏi tế bào bằng cách ức chế men neuraminidase (chính là kháng nguyên N của lớp vỏ protein của virus cúm). Với dạng thuốc viên Oseltamivir được chỉ định điều trị cúm không biến chứng ở bệnh nhân trên 1 tuổi, nên dùng ngay khi phát bệnh trong vòng 2 ngày. Các triệu chứng cúm giảm sau khi dùng thuốc 1-2 ngày nhưng thời gian dùng phải là 5 ngày. Tác dụng phụ có thể gặp: nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, chóng mặt, mất ngủ...
- Trong các thuốc kháng virus, có một loại thuốc đặc biệt là Interferon. Ðặc biệt là vì Interferon không chỉ được sản xuất làm thuốc từ bên ngoài đưa vào cơ thể mà chính cơ thể ta có thể sản xuất Interferon để chống lại virus (không chỉ chống lại virus mà còn điều hòa miễn dịch, chống ung thư). Interferon là một nhóm glycoprotein do tế bào lymphô (một loại tế bào bạch cầu) tiết ra khi cơ thể bị nhiễm virus. Interferon kháng virus bằng cách ngăn cản virus tổng hợp protein, RNA hoặc DNA của nó trong tế bào. Như vậy, trong cơ thể chúng ta luôn luôn có nội lực đề kháng với bệnh tật, kể cả các bệnh truyền nhiễm. Vấn đề là làm sao phát huy được nội lực đó để phòng chống bệnh tật. Virus cúm A H5N1 hiện có ở nước ta là chủng rất độc, gây bệnh cảnh lâm sàng nặng nề ở người và có khả năng biến đổi để lây lan nhanh, nhưng nếu biết cách tự bảo vệ, tăng cường sức đề kháng của cơ thể và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh lây qua đường hô hấp, chúng ta sẽ không phải quá lo lắng về bệnh cúm A gây viêm đường hô hấp cấp.
- Ðể tăng cường sức đề kháng bảo vệ cơ thể, thể hiện ở chỗ hệ miễn dịch của ta lành mạnh tiết đủ Interferon nội sinh để chống lại sự xâm nhiễm của virus, ta cần giữ cơ thể khỏe mạnh, ăn uống điều độ và đầy đủ các dưỡng chất; Vận động, tập thể dục đều đặn, giữ tinh thần lạc quan thư thái, có chế độ làm việc nghỉ ngơi phù hợp. Vì vitamin C giúp tăng cường sự đề kháng, nên ta cần ăn nhiều rau cải, trái cây tươi, nếu cần có thể uống thuốc bổ sung vitamin C. Do virus cúm lây qua đường hô hấp, ta có thể nhỏ mũi bằng các thuốc sát khuẩn để phòng mầm bệnh xâm nhập. Mặc dù chưa có đủ bằng chứng cúm gà có thể lây sang người, nhưng mỗi chúng ta nên tuyệt đối thực hiện 3 không: "Không ăn, không nuôi, không vận chuyển mua bán gà vịt, các loại chim và cả sản phẩm của gia cầm...". Cần thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh và thông báo của ngành y tế. Nếu ngành y tế đề ra các quy định cần thiết để kiểm soát, khống chế dịch bệnh, phòng chống sự lây lan, cần tuyệt đối tuân thủ những quy định đó.
Nhận thức được tầm quan trọng của dịch cúm gà có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng không đồng nghĩa với tâm trạng hoang mang, lo lắng. Nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng bệnh thì không chỉ tự bảo vệ được bản thân mà còn góp phần dập tắt dịch bệnh.
Chú thích ảnh: Sự chuyển đổi gen virus cúm từ gia cầm thành virus A (H5N1) lây bệnh cúm gà sang người.