Kháng huyết thanh cứu sống người mắc bệnh truyền nhiễm
Ngựa được dùng để sản xuất kháng huyết thanh. |
Kháng huyết thanh có vai trò tương tự vacxin, nghĩa là tạo sự miễn dịch để phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Nếu như vacxin cần một thời gian khá dài để giúp cơ thể thiết lập "hàng rào bảo vệ" thì kháng huyết thanh lại làm được điều đó rất nhanh, cứu sống bệnh nhân trong trường hợp khẩn cấp.
Kháng huyết thanh được pha chế từ các kháng thể kết hợp với kháng nguyên đặc hiệu (protein lạ), các thành phần của vi sinh vật (như virus hoặc vi khuẩn). Hỗn hợp này sẽ làm bất hoạt hay phá hủy các vi sinh vật. Kháng huyết thanh thường sản xuất từ máu súc vật đã bị tiêm virus, vi khuẩn chết (hoặc sống nhưng vô hại).
Kháng huyết thanh thường được dùng tạo miễn dịch, điều trị cấp cứu khi bệnh nhân không tạo được miễn dịch trước đó để chống vi khuẩn. Nó cung cấp ngay cho bệnh nhân sự đề kháng chống nhiễm trùng trong lúc sự miễn dịch hoàn toàn đang phát triển (vacxin đang phát huy tác dụng). Tuy nhiên, cách phòng bệnh tốt nhất vẫn là tiêm vacxin sớm.
Những kháng huyết thanh đầu tiên ra đời vào năm 1890 do các tác giả Von Behring, Kitazato, Challou - Roux và Martin đề xuất, gồm 2 loại để chữa trị bệnh bạch hầu và uốn ván. Năm 1894, A. Calmette đã dùng kháng huyết thanh rắn hổ và tiếp sau đó, trên thế giới có các kháng huyết thanh chữa bệnh dịch hạch, than, tả, bại liệt, viêm gan rồi tụ cầu, dại. Hiện các nhà khoa học đang phát triển các kháng huyết thanh chống trực khuẩn mủ xanh, SARS…
Những hạn chế do tiêm vacxin không kịp thời đã được khắc phục khi dùng kháng huyết thanh. Phương thức sản xuất cổ điển là dùng kháng huyết thanh khác loài (từ thỏ, chuột thậm chí từ trứng gia cầm, nhưng phổ biến nhất vẫn là ngựa) vì rẻ tiền và dễ làm. Các kháng huyết thanh cùng loài (huyết thanh người) và kháng thể đơn dòng tuy an toàn hơn nhưng chưa phổ cập bởi không có 2 ưu thế trên. Kháng huyết thanh từ ngựa đang được nhiều nước, trong đó có Việt Nam sản xuất với quy trình miễn dịch và tinh chế cải tiến đã an toàn hơn so với trước.
Sản xuất kháng huyết thanh ở Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức lớn có tính toàn cầu như bản quyền phát minh và công nghệ ứng dụng, chất lượng và giá thành, yêu cầu của thị trường và kế hoạch sản xuất. Huyết thanh ngựa là nguyên liệu chưa thể thay thế được vì đạt số lượng thu hoạch lớn từ một chu trình sản xuất. Ngựa phải lớn con (ít nhất 200 kg) sung sức, khỏe mạnh, bị thiến và đang ở tuổi trưởng thành (3-4 năm tuổi). Trung bình 1 tháng, huyết thanh được khai thác ít nhất 1 lần với tổng số máu bằng 1,5% trọng lượng cả con, và cứ 1 lít máu ngựa cho được 75 ml kháng huyết thanh dại (SAR) hay 100 ml kháng huyết thanh nọc rắn (SAV). Ngựa có thể được khai thác trung bình trong 6 năm. Trong khi đó, ở người cho máu tình nguyện, 2-3 tháng mới lấy được 300-400 ml máu, sản xuất được 10 ml kháng huyết thanh dại.
Sản xuất kháng huyết thanh nọc rắn phức tạp hơn vì mỗi loại rắn độc ở mỗi nơi chỉ cho ra một loại protein hay độc tố kiểu riêng (ít nhất 200 loại).
Cùng với vacxin, các kháng huyết thanh bạch hầu, uốn ván sẽ còn đồng hành lâu dài với nhân loại, kể cả ở những nước phát triển. Dịch bạch hầu vừa bùng phát trở lại ở các nước thuộc Liên Xô cũ là một bài học cho tất cả các quốc gia.
Bệnh dại vẫn tồn tại ở nhiều nơi, điển hình là Australia, New Zealand, một vài đảo của Mỹ ở Thái Bình Dương và Nam cực. Mỗi năm, thế giới có ít nhất 34.000 người tử vong vì bệnh dại và hơn 6 triệu người phải tiêm ngừa vacxin. Cho dù vacxin hiện nay đã tốt hơn nhưng một mình nó không bảo đảm cứu sống được tất cả bệnh nhân bị súc vật dại cắn. Kháng huyết thanh SAR vẫn cần có mặt kịp thời để trung hòa virus dại ở những vết thương nguy hiểm gần trung ương thần kinh. Chẳng hạn, trước đây ở Mexico, hàng loạt bệnh nhân bị súc vật cắn chỉ tiêm vacin mà không tiêm kháng huyết thanh đều phát bệnh; những người sống sót đều bị tổn thương não. Ở châu Á cũng có tình trạng tương tự, hơn 90% bệnh nhân bị súc vật nghi dại cắn đã không được tiêm kháng huyết thanh vì thiếu thuốc. Tình trạng này cũng từng xảy ra ở nước ta. Từ năm 2003 đến nay, kháng huyết thanh dại đã được sản xuất đủ nhu cầu với giá rẻ chỉ bằng 1/3 so với hàng ngoại.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)