Nhiễm trùng vùng cổ có thể gây chết người
Nhiễm trùng vùng cổ là một cấp cứu trong chuyên khoa tai mũi họng. Ở đây có nhiều cấu trúc quan trọng nằm trong các khoang tổ chức lỏng lẻo nên tình trạng viêm nhiễm có thể dẫn đến những biến chứng rất nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Nhiễm khuẩn có thể khu trú hay lan rộng ra các mô lỏng lẻo xung quanh, theo các khoang giải phẫu tự nhiên của cổ sang bên đối diện, lên mặt, xuống ngực, vào trung thất, gây nên bệnh cảnh nhiễm trùng, nhiễm độc nặng nề. Vi khuẩn gây bệnh thường có cả loại hiếu khí, yếm khí và gây hoại tử mô mạnh.
Các nguyên nhân gây nhiễm trùng vùng cổ là viêm, áp xe lợi (đặc biệt là răng số 8), chấn thương, tai biến khi hóc dị vật không điều trị sớm hoặc dùng tay móc dị vật gây thủng họng, áp xe amiđan, tiêm ma tuý ở tĩnh mạch cổ gây tắc tĩnh mạch này...
Đặc biệt ở trẻ em, các bệnh thông thường như viêm V.A, viêm mũi xoang cũng có thể gây nên nhiễm trùng nặng nề vùng cổ. Nguyên do là các chất xuất tiết vùng này thường được đổ vào hạch bạch huyết ở ngay khoang sau họng, tạo nên các các áp xe thành sau họng, dễ gây tử vong. Tuy nhiên, các hạch kể trên thường teo đi khi trẻ trên 2 tuổi; vì vậy, các áp xe thành sau họng chỉ hay gặp ở trẻ em dưới 2 tuổi. Biểu hiện: Sốt 39-40 độ C, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi, da xanh tái. Bệnh nhân thấy nuốt đau, đau cổ, quay cổ khó khăn, có thể thay đổi giọng nói (giọng ngậm hạt thị...), mở miệng hạn chế hoặc khó thở.
Khi thấy cổ sưng nề, đóng bánh, ấn rất đau một hoặc hai bên, cần đưa người bệnh đến ngay bệnh viện để được xác định và điều trị kịp thời. Thường những bệnh nhân này được phẫu thuật mở rộng cạnh cổ để dẫn lưu ổ nhiễm trùng, dùng kháng sinh phổ rộng, liều cao và phối hợp nhiều kháng sinh.
Nếu không được xử trí và điều trị kịp thời, nhiễm trùng vùng cổ có thể dẫn đến nhiều biến chứng quan trọng, ảnh hưởng đến tính mạng như tổn thương các động mạch lớn vùng cổ, nhiễm trùng huyết, viêm trung thất, tỷ lệ tử vong rất cao. Việc chẩn đoán những nhiễm trùng cổ sâu đã trở nên phức tạp hơn từ khi kháng sinh ra đời vì thuốc làm lu mờ các triệu chứng, khiến bệnh dễ bị chẩn đoán nhầm hoặc chậm trễ.
ThS Phạm Bích Đào, Sức Khoẻ & Đời Sống