Sán lá gan Fasciola bùng phát ở người
1. Lát cắt ngang của sán lá gan. 2.Toàn bộ sán lá gan. |
Sau 4 ngày bụng đau quằn quại từng cơn, cô Nguyễn Thị T., 19 tuổi, thợ may ở TP HCM, tìm đến bệnh viện. Các bác sĩ đã phát hiện túi mật của cô căng to bất thường. Bằng con đường nội soi, từ túi mật của bệnh nhân, một mẫu mô hình thoi di động đã được gắp ra.
Các bác sĩ tại Bộ môn Ký sinh trùng, Đại học Y Dược TP HCM, khẳng định, đó là một con sán lá gan Fasciola. Tiến sĩ Trần Thị Kim Dung cho biết, đây là một trong 500 ca bệnh sán lá gan ghi nhận được ở Việt Nam trong 3 năm 1997-2000 và cũng là trường hợp đầu tiên ở Việt nam gắp được sán lá gan qua đường nội soi.
Số liệu này đã gây được sự chú ý của các nhà ký sinh trùng học vì sán lá gan lâu nay chỉ tìm thấy ở các động vật ăn cỏ như trâu, bò, dê và rất hiếm khi phát hiện được ở người. Thế nhưng, hiện nay, tại TP HCM, việc bệnh nhân vào viện vì sán lá gan không còn là chuyện lạ nữa.
Chẩn đoán khó
Trước đó, vào ngày 24/6/2000, Trung tâm Chẩn đoán Y khoa Medic cũng tiếp nhận một bệnh nhân nữ từ Gia Lai đến, với bệnh cảnh khá đặc biệt:
- Gần một tháng liền thấy mệt mỏi, chán ăn, sợ mùi dầu mỡ, có nhiều cơn choáng váng, đau từng cơn ở vùng thượng vị lan xuống hạ sườn phải.
- Ở ngoài da vùng thượng vị nổi một khối u to như quả trứng vịt, đỏ và cứng nhưng không đau. Vài ngày sau, khối u này di chuyển lên ngực phải. Uống thuốc kháng sinh và kháng viêm thì khối u xẹp xuống.
- Sau đó vài ngày, ở vùng da dưới hạ sườn phải lại xuất hiện một mụn to, mọng nước như vết bỏng rồi lan dần theo đường ngoằn nghèo, gãy khúc, mỗi ngày dài thêm 3-4 cm. Sau khi châm thủng mụn nước này, các bác sĩ bắt được một con sán lá gan.
Theo Tiến sĩ Dung, do bệnh cảnh của sán lá gan rất đa dạng nên nhiều khi việc chẩn đoán cũng gặp khó khăn:
- Chỉ 23,7% trường hợp được chẩn đoán đúng.
- 16,9% chẩn đoán nhầm là viêm dạ dày.
- 32,2% chẩn đoán là ápxe gan.
Nơi cư trú
Khi đã xâm nhập cơ thể, ngoài nơi cư trú chính là gan, loài sán này còn chui đến nhiều nơi khác trong cơ thể. Trong 500 trường hợp đã phát hiện bệnh vừa qua, sán được tìm thấy trong cả vách ruột, thành bụng, phổi, tim, não… và đã có trường hợp bắt gặp chúng chui ra từ một lỗ nhọt ở chân bệnh nhân.
Riêng ở gan, nơi cư trú chính, sán thường xuyên qua các mô gan, gây ra nhiều hội chứng khác nhau, rất khó xác định. Nguy hiểm nhất là khi có nhiều, sán lá gan có thể gây tắc ống mật, đe doạ tính mạng của người bệnh.
Vướng mắc trong điều trị
Hiện chúng ta chưa có thuốc đặc trị nào hiệu quả hơn 2 loại thuốc Dehydro Emetine và Chlorhydrat Emetine. Nhưng các thuốc này lại hay có phản ứng phụ và gây độc cho tim. Chưa có thuốc để phòng bệnh.
Thói quen ăn rau sống
Theo mô tả của Giáo sư Trần Vinh Hiển, Trung tâm Bệnh nhiệt đới TP HCM, bệnh sán lá gan là bệnh ở gan của động vật ăn cỏ. Trứng của loài sán này theo phân ra ngoài, ký sinh vào cơ thể của một loài ốc rất nhỏ, sống ở các vùng nước cạn. Ấu trùng nở ra và bám vào cây cỏ. Người ăn phải rau mang ấu trùng sán lá gan sẽ bị nhiễm bệnh.
Dù chưa được kiểm chứng một cách kỹ lưỡng, hiện đã có cơ sở cho thấy ấu trùng sán lá gan xuất hiện nhiều nhất ở loại rau trồng trong vùng nước cạn lắp xắp như rau đắng, xà lách xoăn…, nhất là khi vườn trồng rau này lại nằm gần nơi nuôi gia súc.
Một đặc điểm đáng lưu ý nữa là ấu trùng sán lá gan bám rất chắc vào lá rau, không thể rửa trôi bằng cách rửa thông thường. Chúng chỉ chết khi bị đun sôi. Bệnh hay gặp nhất ở những người thường xuyên ăn rau sống.
Để phòng bệnh, cần khuyến cáo người dân:
- Không để phân tươi từ chuồng trại chăn nuôi gia súc chảy trực tiếp vào nơi canh tác rau.
- Không dùng phân tươi pha loãng tưới cho rau.
- Hạn chế tối đa thói quen ăn rau sống.
Người Lao Động, 22/5