Viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm do một loại virus gây nên. Trong cơ thể người nhiễm Viêm gan B, các phần tử virus có trong máu, nước bọt, dịch âm đạo, tinh dịch.... Vì vậy, bệnh viêm gan B có thể lây truyền theo các đường sau:
Lây từ mẹ sang con: người mẹ nhiễm viên gam B có thể lây truyền cho con qua những chỗ rách của nhau thai hoặc do bào thai tiếp xúc với dịch âm đạo trong quá trình sinh nở. Trẻ nhiễm viêm gan B từ thời kỳ sơ sinh ít khi có triệu chứng bệnh nhưng virus thường tồn tại kéo dài cho đến cuối đời. Mặt khác, do mang một lượng lớn virus trong cơ thể, những trẻ này là nguồn lây viêm gan B quan trọng trong cộng đồng.
Lây qua da: xảy ra khi truyền máu và các chế phẩm máu chứa virus viêm gan B chưa được sàng lọc, hoặc thường gặp hơn qua các dụng cụ tiêm truyền không được xử lý thích hợp. Người ta thấy rằng viêm gan B có khả năng lây truyền qua da cao hơn nhiều so với virus gây suy giảm miễn dịch HIV. Những nhóm người trong cộng đồng có nguy cơ lây nhiễm viêm gan B qua da cao là người nghiện chích ma tuý, người xăm trổ ngoài da....
Lây qua tiếp xúc, thường xảy ra trong gia đình có người nhiễm viêm gan B hoặc trong các nhóm trẻ do tiếp xúc với nước bọt mang virus (dùng chung bàn chải răng, nhai cơm cho trẻ....). Bệnh có thể lây qua tiếp xúc tình dục.
Bệnh viêm gan B biểu hiện bằng các triệu chứng như mệt mỏi, kém ăn, đầy bụng, sợ mỡ, đau tức hạ sườn hoặc thượng vị, buồn nôn, đi tiểu mầu sẫm, vàng mắt, vàng da.... ở một số bệnh nhân diễn biến nặng dẫn tới hôn mê. Trong giai đoạn cấp của bệnh, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tuyệt đối, ăn thức ăn mềm, uống nhiều nước có đường, ăn nhiều hoa quả.... Bệnh khỏi khi cơ thể loại trừ được virus gây bệnh, người bệnh thấy ăn ngon miệng hơn, đỡ mệt mỏi, hết vàng da.... Tuy nhiên ở một bộ phận bệnh nhân, virus viêm gan B không bị loại trừ hoàn toàn mà tồn tại kéo dài trong các tế bào gan dẫn đến tình trạng mang virus mãn tính, viêm gan mãn, xơ gan và ung thư gan. Ðiều trị các tình trạng này thường rất khó khăn, tốn kém và kết quả không cao, chỉ một số ít bệnh nhân khỏi bệnh.
Nước ta thuộc vùng bệnh viêm gan B lưu hành cao, 50-70% dân cư có bằng chứng nhiễm bệnh ở hiện tại hoặc trong quá khứ, tỷ lệ mang virus trong cộng đồng trung bình trên 10%. Các đường lây truyền viêm gan B chính ở nước ta là lây từ mẹ sang con, lây qua tiếp xúc, chủ yếu ở nhóm trẻ bé. Bệnh cũng lây truyền mạnh ở những đối tượng tiêm chích ma tuý.
Nhiễm viêm gan B có thể ngăn ngừa có hiệu quả bằng phương pháp tiêm vaccine. Ngoài ý nghĩa phòng viêm gan B còn ngănngừa viêm gan mãn, ung thư gan. Do ở nước ta nhiễm viêm gan B thường xảy ra ở trẻ em, việc tiêm phòng tiến hành càng sớm càng cho kết quả bảo vệ cao. Các bà mẹ nhiễm viêm gan B cần cho con tiêm phòng từ lúc mới sinh. Hiện nay nước ta đã tự sản xuất được một lượng lớn vaccine viêm gan B, tiêm phòng viêm gan B đã được đưa vào chương trình tiềm chủng mở rộng ở một số địa phương.Thực hiện tiêm phòng đầy đủ, duy trì một cuộc sống lành mạnh, vệ sinh, là những biện pháp hữu hiệu phòng bệnh viêm gan B.
BS Phạm Thanh Thuỷ
(Viện y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, BV Bạch mai)