Viêm gan siêu vi
Có ba loại siêu vi trùng chính gây viêm gan là siêu vi viêm gan A, siêu vi viêm gan B và siêu vi viêm gan C.
Viêm gan siêu vi A (VGSV A)
Ðường lây truyền: Người bị nhiễm siêu vi viêm gan A có thể lây bệnh cho người khác một, hai tuần trước khi triệu chứng bệnh xuất hiện. Thông thường nhất là qua ăn, uống các thực phẩm bị nhiễm. Cha mẹ có thể lây qua trẻ nhỏ do tiếp xúc trực tiếp.
Phòng ngừa: Rửa tay với xà bông và nước sạch sau khi đi cầu và trước khi ăn, không nấu nướng thức ăn trong thời gian bệnh, phải nghỉ làm hoặc nghỉ học theo chỉ định của bác sĩ.
Dư chứng: Thường bệnh nhân khỏi hẳn sau một vài tuần, bệnh chỉ lây lan ở giai đoạn cấp tính. Rất hiếm khi đưa đến xơ gan hoặc tử vong.
Viêm gan siêu vi B
Ðường lây truyền: Người ta thấy virus này ở trong máu, tinh dịch và dịch tiết âm đạo và hiếm hơn là ở nước bọt người bệnh. Ðường lây truyền chính là qua đường tình dục, đường tiêm chích, do truyền máu và lây truyền từ mẹ sang con khi mang thai. Ngoài ra, xỏ lỗ tai, xâm mình, châm cứu cũng là đường lây lan.
Phòng ngừa: Dùng bao cao su khi quan hệ tình dục. Dùng kim tiêm và ống chích sạch, tốt nhất là sử dụng loại dùng một lần rồi bỏ. Chích ngừa vaccine ba mũi trong vòng 6 tháng, có thể chích nhắc lại năm năm một lần.
Dư chứng: Khoảng 50% người nhiễm không có triệu chứng, sau đợt cấp tính thường thường có: 0,1% bệnh nhân chết, 90-95% lành bệnh hoàn toàn, 5-10% tiếp tục chứa virus trong người và có thể gây ra xơ gan và ung thư gan, biến chứng này thường xảy ra 30-40 năm sau khi mắc bệnh.
Viêm gan siêu vi C
Virus này chỉ mới được nhận diện vào năm 1989 và được tìm thấy trong máu, tinh dịch và dịch tiết âm đạo.
Ðường lây truyền: Virus này xâm nhập vào cơ thể qua đường máu và đường tiêm chích, cắt lể.
Dư chứng: Trong ba loại siêu vi, siêu vi viêm gan C là "độc" nhất vì hiện nay chưa có thuốc chủng. 75% bệnh nhân không biết mình mắc bệnh vì không thấy có triệu chứng. Chỉ có 50% bệnh nhân lành bệnh hoàn toàn và hơn 50% chuyển sang viêm gan mãn tính và sau 10 đến 30 năm, 25% số người viêm gan mãn tính này có thể bị xơ gan và ung thư gan.
Làm gì nếu bị nhiễm viêm gan siêu vi B, C?
Bạn nên tới bác sĩ chuyên khoa để được:
. Tham vấn: Ðể biết những biện pháp phòng ngừa, tránh lây lan cho người khác.
. Theo dõi diễn tiến của bệnh.
. Chỉ định điều trị: Hiện tại, người ta dùng Inter Feron để chữa trị. Nhưng thuốc rất đắt tiền. Ngoài ra, phải kể đến tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc như suy tủy, nhiễm độc thần kinh và biến chứng về tâm thần.
BS Nguyễn Thanh Sơn
(Trung tâm Ðào tạo - Bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM)