Áp xe ngoài màng tủy dễ gây tàn phế
Áp xe ngoài màng tủy là hiện tượng có khối mủ nằm giữa khoang ngoài màng tủy và ống sống. Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị tích cực, bệnh nhân sẽ có nguy cơ liệt và tàn phế.
Áp xe xuất hiện do các ổ nhiễm trùng ở xa lan tới, hay do các ổ nhiễm trùng gần đó (như lao cột sống), do nhiễm trùng sau các can thiệp vùng cột sống, hoặc do chọc dò nước não tủy để chẩn đoán và điều trị. Áp xe cũng có thể là hậu quả của việc châm cứu, có nhọt vùng lưng-cột sống, của các ổ nhiễm trùng từ nơi khác tới (như sau nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng da, viêm phổi, viêm xương). Các vi khuẩn thường gặp là tụ cầu, e.coli, trực khuẩn mủ xanh...
Biểu hiện lâm sàng của bệnh thường không điển hình, nhất là ở giai đoạn đầu, nên dễ bị bỏ sót. Bệnh nhân có thể xuất hiện đau cổ, đau lưng thông thường, 1/3 số ca có sốt. Đôi khi xuất hiện tê bì, giảm cảm giác tay, chân. Liệt xuất hiện muộn hơn; tùy vị trí và mức độ chèn ép của khối áp xe mà biểu hiện liệt có thể xuất hiện ở hai chi dưới hoặc cả hai tay và chân, mức độ từ giảm cảm giác, giảm vận động cho đến mất hoàn toàn vận động và cảm giác. Ngoài ra, bệnh nhân có thể rối loạn đại tiểu tiện, thậm chí rối loạn hô hấp, dẫn đến tử vong.
Các nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân bị liệt là do khối áp xe chèn ép trực tiếp vào tủy, hay do nhiễm trùng gây tắc mạch làm thiếu máu vùng tủy và gây tổn thương tủy.
Chẩn đoán hình ảnh bằng X-quang thường ít có giá trị, đôi khi có thể cho thấy hình ảnh viêm cột sống, các đốt sống bị phá hủy... Chụp cắt lớp vi tính có bơm thuốc cản quang cho thấy hình ảnh chèn ép tủy. Chụp cộng hưởng từ cho giá trị chẩn đoán cao vì có thể thấy rõ hình ảnh tổn thương trên phim, giúp đoán sớm để có thái độ xử trí thích hợp. Nếu đã nghi ngờ có áp xe ngoài màng tủy thì không được chọc dò tủy sống vì sẽ làm tổn thương lan rộng hơn.
Nếu bệnh nhân chưa liệt hoặc mới giảm cảm giác, vận động, có thể điều trị bằng nội khoa và theo dõi. Nếu tổn thương lan rộng, lại bị liệt hoặc giảm cảm giác thì cần phẫu thuật sớm, kết hợp điều trị kháng sinh.
BS Nguyễn Đức Chính, Sức Khỏe & Đời Sống