Bệnh lỵ trực khuẩn cấp
Trực khuẩn Shigella. |
Do trực khuẩn Shigella gây nên, bệnh lây theo đường tiêu hóa và dễ phát thành dịch. Ở nhiệt độ thông thường, khuẩn lỵ tồn tại trong nước ngọt, rau sống, thức ăn 7-10 ngày; ở đồ vải bẩn, đất 6-7 tuần. Chúng bị diệt trong nước sôi, dưới ánh sáng mặt trời và thuốc khử trùng.
Nguồn bệnh là những người mắc bệnh lỵ trực khuẩn hoặc người lành mang trùng. Bệnh lây theo đường tiêu hóa qua nước uống, thức ăn, bàn tay ô nhiễm và ruồi nhặng. Tất cả mọi người đều có thể mắc bệnh này, miễn dịch sau mắc bệnh yếu, không bền. Lỵ trực khuẩn xảy ra tản mát quanh năm và thường rộ lên vào mùa hè, hay gây thành dịch từ vài chục tới hàng trăm người mắc.
Sau thời gian nung bệnh 1-3 ngày, bệnh khởi phát đột ngột với biểu hiện: sốt, gai rét, nhức đầu, mệt mỏi, mất ngủ, chán ăn, đau dọc khung đại tràng, đau quặn kèm theo mót rặn và đi ngoài nhiều lần. Phân lúc đầu sệt lỏng, sau không có phân, chỉ có nhày mũi và máu. Ở thể nặng có kèm theo mất nước, điện giải, bệnh nhân khát nước, môi khô, tiểu ít.
Bệnh lỵ trực khuẩn cấp cần được điều trị tại các cơ sở y tế. Bệnh nhân phải được cách ly, dùng kháng sinh và thuốc điều trị các triệu chứng. Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng với nguyên tắc chung là: Trong vài ngày đầu ăn nhẹ, sau đó nhanh chóng hồi phục chế độ ăn gần bình thường, không để nhịn đói quá 24 giờ. Không ăn hạn chế quá 3-4 ngày, tránh ăn thức ăn có nhiều xơ, thức ăn rắn, có nhiều mỡ và gia vị. Bệnh nhân lỵ sau khi ra viện về không nên bố trí làm cấp dưỡng, nấu ăn, tiếp phẩm.
Để phòng bệnh, cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn, sau khi vệ sinh, ăn chín, uống sôi. Bảo đảm tốt vệ sinh thực phẩm, thực hiện thường xuyên diệt ruồi, nhặng và chuột, gián.
BS Ngô Trường Giang, Sức Khỏe & Đời Sống