GIUN CHUI ỐNG MẬT
BS. VŨ HƯỚNG VĂN
Hỏi:
Tôi có con trai 14 tuổi, hay bị đau bụng dữ dội, mỗi năm đau 3-4 lần, mỗi
lần đau phải nghỉ học 6-7 ngày. Tôi đã đưa cháu đi chữa ở nhiều nơi, nhưng
thỉnh thoảng vẫn đau như thế. Bác sĩ bệnh viện chẩn đoán là giun chui ống
mật, nhưng vẫn không khỏi dứt bệnh. Xin hỏi: loại bệnh này có chữa khỏi hẳn
được không?
(Nguyễn Thị Lựu - Hà Tây)
Trả lời: Nước ta khí hậu nóng ẩm, nhiều nơi ăn ở
thiếu vệ sinh, đi tiêu bừa bãi, dùng phân tươi bón ruộng... là nguyên nhân
gây nhiễm giun thường xuyên, đặc biệt đối với trẻ em. Trong số các bệnh giun
sán thì phổ biến nhất là giun đũa. Biến chứng đáng sợ do giun đũa là tắc
ruột (trong búi giun lớn gây tắc có khi tới 400 -500 con), hoặc làm nghẽn
ống tụy đưa đến viêm tụy cấp hay bán cấp, giun chui và ruột thừa làm viêm
ruột thừa, làm viêm màng bụng khu trú hay lan tỏa do giun làm thủng ruột, mà
hậu quả đáng buồn là phải cấp cứu ngoại khoa.
Song tai biến thường hay xảy ra hơn là giun chui ống mật
(GCÔM). Tuy GCÔM có thể gặp cả ở người lớn, nhưng thường gặp nhất là trẻ em.
Do giun đũa ưa môi trường kiềm, độ toan dịch vị ở trẻ em ít hơn người lớn,
nếu đứa trẻ kém ăn, hoặc đói ăn, giun đũa di chuyển ngược lên tìm thức ăn mà
chui vào ống mật. GCÔM có thể là 1 con, có khi nhiều con. Nếu không điều trị
sớm GCÔM sẽ gây viêm ống mật, áp-xe gan mật, hoặc hậu quả lâu dài là sỏi mật
do sắc tố mật kết đọng lại quanh xác giun, trứng giun tạo nên.
GCÔM gây đau vùng bụng rất đặc biệt: đau đột ngột, dữ dội ở
vùng thượng vị và hạ sườn phải. Đau lăn lộn thậm chí phải cáo cấu vùng
thượng vị, người bệnh phải nằm chổng mông, hoặc dựng hai chân lên tường cho
bớt đau. Nếu thăm khám sẽ thấy điểm sườn lưng và mũi ức rất đau. GCÔM thường
được theo dõi và điều trị nội khoa, nhưng nếu có biến chứng tác mật, áp-xe,
thủng... thì trở thành cấp cứu ngoại khoa.
Bạn cần cho cháu uống thuốc tẩy giun Mébandazon (các biệt
dược: Vermox, Taloxin, Pentelnin, Noverme...) ngày uống 2 viên 100mg, chia
làm 2 lần trong 3 ngày liên tiếp.
Thuốc chỉ giết con giun trưởng thành chứ không giết được
trứng hay ấu trùng, do đó 3 tuần sau phải uống thuốc lần thứ hai. Sau đó 5-6
tháng lại uống thuốc giệt giun, bụng không còn giun là cách phòng tái phát
GCÔM hiệu quả nhất.
Đời sống của một con giun đũa chỉ thọ được 13 tháng, tuy
giun cái đẻ ra nhiều trứng (sau gioa phối có thể đẻ tới 20 vạn trứng/ngày),
nhưng các trứng đó cần phải ra ấp ngoài trời thành phôi mới gây những giun
được. Bởi vậy cách phòng chống giun tích cực nhất là vệ sinh ăn uống không
để tái nhiễm giun: không dùng phân tươi bón rau. Không ăn rau sống. Không để
ruồi nhặng đậu vào thức ăn. Rửa tay sạch trước khi ăn. Chỉ uống nước lọc hay
nước đun sôi để nguội.